Thưởng Tết nhân viên ngân hàng lên đến 10 tháng lương là chủ đề được một số tờ báo đề cập khiến người lao động ngành nghề nào cũng mong muốn được làm ngân hàng.
Tuy nhiên thực tế, nhân viên ngân hàng cũng như nhiều doanh nghiệp khác, mức thưởng Tết có sự phân hóa tùy thuộc vào năng lực làm việc.
Từng làm việc ở 3 ngân hàng thương mại, chị Cẩm cho biết mức trung bình của hầu hết các nhân viên chỉ từ 1 - 3 tháng lương. Năn nay với chị, thưởng Tết không giảm đã là may mắn.
"Năm nay, dịch bệnh kéo dài nên thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên là sự nỗ lực của các ngân hàng. Như ngân hàng của tôi năm nay thưởng 1 - 2 tháng lương, tùy theo đánh giá xếp loại cá nhân cả năm. Một số ngân hàng đặt các chỉ tiêu kinh doanh cao được 4 - 5 tháng lương", chị Lê Khanh Cẩm, nhân viên ngân hàng, chia sẻ.
Mức thưởng cao đa phần chỉ dành cho những người có kết quả lao động xuất sắc, vượt chỉ tiêu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Khảo sát ở một số ngân hàng cho thấy, các ngân hàng thường chia 80% lương trong năm. 20% còn lại được chia sau khi đã có kết quả kinh doanh. Phần này hay được gọi là lương kinh doanh, tính theo hiệu suất công việc, được chia vào dịp Tết nên khiến nhiều người coi đó là mức thưởng Tết. Mức thưởng cao đa phần chỉ dành cho những người có kết quả lao động xuất sắc, vượt chỉ tiêu.
"Mỗi một ngân hàng có mức lương thưởng phân hóa khác nhau. Khối kinh doanh làm ăn tốt có thể được mức lương thưởng cao hơn, còn khối hỗ trợ chưa chắc đã được hưởng mức cao như vậy... Theo tôi quan sát, mức độ từ 2 - 3 tháng lương là mức khá phổ biến", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho hay.
Các chuyên gia cũng cho biết, năm nay, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, phải giảm lãi suất cho vay, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận 2 con số nhờ đa dạng nguồn thu. Do đó, nhân viên ngân hàng cũng được hưởng mức lương thưởng cao, tuy nhiên sang năm sau có thể sẽ điều chỉnh xuống khi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng cho nợ xấu.
(Theo VTV)