Bước tiến vào thị trường Úc
VinFast có thể sẽ mua lại Holden- thương hiệu thuộc General Motors (GM), và đặt trung tâm công nghệ tại thành phố Melbourne.
Trước đó, VinFast đã thể hiện phần nào sự quan tâm tới việc mua lại các trung tâm công nghệ và thiết kế của GM- gồm cả Trung tâm thử nghiệm Lang Lang ở bang Victoria - là những nơi sẽ đóng cửa theo thương hiệu Holden. Một số kỹ sư của Holden hiện trở thành nhân sự của VinFast. Được biết, VinFast đã có kế hoạch ra mắt thị trường Úc.
Ông Jim DeLuca, đại diện VinFast trả lời phỏng vấn trang Carsales.com.au rằng: "Chúng tôi đang làm việc với các đối tác về sự hợp lý và phong cách xe. Chúng tôi quan tâm tới bất cứ sự hòa nhập nào giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và mang lại lợi nhuận".
Trang Motoring (Úc) nhận xét rằng, VinFast từng có màn ra mắt rầm rộ với sự có mặt của ngôi sao David Beckham bên cạnh một mẫu SUV và một sedan tại triển lãm ôtô Paris 2018. Nhưng hãng khá lặng lẽ khi chuyển tới cảng Melbourne vào tháng 12/2019 khi thành lập trung tâm công nghệ VinFast Australia.
GM hiện đang là một trong những hãng ô tô lớn nhất thế giới được biết đến trên toàn cầu với rất nhiều thương hiệu, điều này khác hoàn toàn với chiến lược của nhiều hãng ô tô khác như Chevrolet ở Việt Nam mà mới đây VinFast cũng đã mua lại.
Còn tại Úc, GM có thương hiệu là Holden, tuy nhiên cách đây 1 năm, GM lại có kế hoạch đóng cửa Holden và dừng sản xuất tại thị trường Úc. Chính vì vậy, đây có thể là cơ sở quan trọng để VinFast có thể mua lại Holden.
Toan tính của Vinfast?
Ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education, cho rằng để phân tích chiến lược của thương vụ M&A VinFast- Holden, chúng ta có thể dùng mô hình ma trận Bartlett & Ghoshal- mô hình phân tích kinh doanh áp dụng cho các hãng muốn mang thương hiệu ra toàn cầu. Theo đó, có 4 chiến lược chính là: Transnational (Chiến lược xuyên quốc gia), International (Chiến lược quốc tế hoá), Global Integration (Chiến lược toàn cầu hóa) và Multidomestic (Chiến lược đa quốc gia).
Như có thể thấy, thương vụ M&A giữa VinFast và Holden có thể được phân loại vào Chiến lược quốc tế hoá. Theo đó, VinFast sẽ ít chịu sức ép, nghĩa là không cần phải bán một chiếc ô tô giống hệt nhau ở Úc và ở Việt Nam, cũng không cần phải thay đổi sản phẩm quá nhiều để đáp ứng khẩu vị của nước sở tại.
"Việc VinFast mua lại Holden đáp ứng được chuyện mở rộng thương hiệu ra toàn cầu mà chịu ít áp lực. Đây là một chiến lược khôn ngoan" – ông Phan Lê Thành Long nhấn mạnh.
Theo ông Phan Lê Thành Long, khi mua lại Holden, VinFast sẽ có ba điểm lợi. Thứ nhất, toàn cầu hoá thương hiệu. Holden là thương hiệu 160 năm tuổi, nổi tiếng của Úc, thuộc GM, logo con sư tử vờn bóng rất đẹp. Thị trường Úc là thị trường ô tô đủ lớn cho bất kỳ hãng nào muốn gia nhập.
Thứ hai, điều quan trọng là khi mua Holden, VinFast có bản quyền sở hữu trí tuệ và đội ngũ nghiên cứu & phát triển, đội ngũ kỹ sư cao cấp. Để phát triển mẫu xe mới thì bản quyền là cực kỳ quan trọng, mà các hãng non trẻ như Vinfast luôn thiếu. Cách tốt nhất và có thể là duy nhất là "đi mua" bản quyền đó. Hãy xem các hãng xe Trung Quốc, họ còn mua lại cả Volvo.
Thứ ba, giá mua lại Holden có thể hấp dẫn, do công ty này dự kiến bị đóng cửa vào 2021.
Từ những phân tích nói trên cho thấy, thương vụ M&A nói trên của VinFast được kỳ vọng sẽ mang lại thành công cho doanh nghiệp này khi mở rộng chiến lược toàn cầu.