Hôm 26/11, Alibaba đã thực hiện thương vụ niêm yết và bán ra 11 tỷ USD giá trị cổ phiếu tại sàn Hồng Kông. Tất cả đều được "mạ vàng" với kỳ vọng rằng "gã khổng lồ" thương mại điện tử sẽ thu hút được dòng vốn từ nhà đầu tư đại lục. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn thận trọng trước những kỳ vọng không thực tế, đặc biệt là các nhà đầu tư đại lục. Họ thấy rõ những hạn chế nhất định vẫn tồn đọng và thậm chí bị đẩy lên cao trong hoạt động niêm yết của Alibaba tại Hồng Kông.
Thách thức mà các nhà đầu tư phải đối mặt là: quy mô lớn của Alibaba, tính chất chưa từng có của thương vụ niêm yết lần hai (vẫn niêm yết chính ở New York) và cơ cấu quản lý có một không hai. Điều này đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư kỳ vọng rằng mã cổ phiếu này sẽ được đưa vào các rổ chỉ số.
1. Liệu Alibaba có được đưa vào Hang Seng Index?
Chưa phải bây giờ. Alibaba sẽ được đưa vào Hang Seng Composite Index vào ngày 9/12, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để vào Hang Seng Index hay Hang Seng China Enterprise Index vì trong đó chỉ có các công ty niêm yết chính tại sàn này và các doanh nghiệp không áp dụng cổ phiếu có quyền biểu quyết (WVR)
Các doanh nghiệp rất muốn có được vị trí trong Hang Seng bởi điều này sẽ giúp họ thu hút được hàng tỷ USD dòng tiền từ các quỹ đầu tư chỉ số này. Hang Seng Indexes Co. lên kế hoạch tham vấn trong quý đầu tiên để thảo luận về các vấn đề bao gồm liệu các công ty áp dụng quyền biểu quyết, như Alibaba, có đủ điều kiện tham gia HSI hay không. Hiện tại, công ty chưa đưa ra kết luận chính thức và nếu đủ điều kiện thì ít nhất phải đến cuối năm 2020 Alibaba mới có thể tham gia các chỉ số chính của Hang Seng.
2. Alibaba có được tham gia chương trình liên kết giao dịch chứng khoán hay không?
Có thể, nhưng phụ thuộc nhiều vào các nhà hoạch định chính sách. Trung Quốc không đưa ra các tiêu chí hoặc điều kiện để tham gia chương trình này. Không như HSI, chương trình này không có yêu cầu về sàn niêm yết chính. Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) sẽ cân nhắc về việc này.
Những công ty đầu tiên được tham gia - vẫn áp dụng cổ phiếu có quyền biểu quyết, là Meituan Dianping và Xiaomi. Việc này diễn ra sau khi các công ty Trung Quốc có cấu trúc tương tự bắt đầu niêm yết tại trên sàn chứng khoán công nghệ Star ở Thượng Hải hồi tháng 7. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ cho phép cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông của Alibaba được giao dịch thông qua chương trình liên kết này.
Tuy nhiên, Trung Quốc không nhất thiết phải tạo điều kiện cho Alibaba. Đó là bởi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ có thể được bước đi của Alibaba khuyến khích "đi theo" và niêm yết lần hai ở Hồng Kông, mà không phải Thượng Hải hay Thâm Quyến. Điều này có thể đi ngược lại với tham vọng lâu dài của Bắc Kinh về việc phát triển các sàn giao dịch đại lục một cách lành mạnh, hoạt động sôi nổi, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn đang kìm hãm Hồng Kông.
3. Alibaba có thể thay đổi và niêm yết chính tại Hồng Kông hay không?
Cũng có thể. Từ đó họ có thể thu hút các nhà đầu tư ưu tiên cho sàn niêm yết chính, đồng thời ghi điểm mạnh với Bắc Kinh. Alibaba có thể được hưởng vị thế đặc biệt, khi được tự do hơn trong việc tuân thủ yêu cầu niêm yết của Hồng Kông. Theo các quy tắc được đưa ra trong một bài tham vấn hồi tháng 4 năm ngoái, các công ty Trung Quốc niêm yết trước ngày 15/12/2017 không cần tuân thủ yêu cầu về "WVR" nếu sau đó họ chuyển sang niêm yết chính tại Hồng Kông.
Trong khi đó, Alibaba áp dụng một cấu trúc khá độc đáo, trong đó nhóm lãnh đạo có quyền đề cử phần lớn thành viên của hội đồng quản trị. Điều này tạo ảnh hưởng lớn đối với định hướng của Alibaba. Ngoài ra, các quy tắc niêm yết của Hồng Kông chỉ ra nếu khối lượng giao dịch vượt quá 55% doanh thu toàn cầu trong toàn bộ năm tài chính, thì cổ phiếu đó phải được niêm yết chính tại Hồng Kông. Trong khi đó, tính đến 28/11, thì khối lượng giao dịch của cổ phiếu Alibaba đã đạt mức 23%.
Tham khảo Bloomberg