Thủy điện Hồi Xuân xây dựng trên thượng nguồn sông Mã, thuộc xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Công trình được khởi công vào tháng 3-2010, có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỉ đồng, công suất 102 MW với 3 tổ máy, sản lượng điện dự kiến hằng năm 432 triệu KWh. Dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO - Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Sau ngày khởi công, thủy điện này liên tục dừng thi công, thậm chí nhiều năm gần như "đắp chiếu". Đến năm 2015, dự án được chuyển giao cho Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông (trụ sở tại TP HCM, cổ đông chính nắm giữ khoảng 90% cổ phần của VNECO). Năm 2016, dự án được thi công trở lại song đến giữa năm 2018 thì dừng cho tới nay.
Có mặt tại công trường, phóng viên nhận thấy không hề có hoạt động thi công xây dựng nào. Cả khu vực đại công trường hoang vắng, lặng yên giữa núi rừng. Nhà điều hành không một bóng người, cỏ cây mọc um tùm; nhiều máy móc, thiết bị, sắt thép đã hoen gỉ; vật tư để lăn lóc khắp nơi.
Người dân các bản Sa Lắng, Phé, Mí... ở xã Phú Xuân đều ngán ngẩm khi nhắc tới dự án này. Để thủy điện Hồi Xuân được triển khai, hàng trăm hộ dân phải nhường ruộng vườn, thậm chí di dời nhà cửa. Đến giờ, dự án vẫn dang dở càng gây bức xúc cho người dân.
Thủy điện Hồi Xuân sau 12 năm xây dựng vẫn dang dở
"Không chỉ chúng tôi mà người dân 5 bản khác trong xã cũng đang gặp nhiều khó khăn từ dự án thủy điện này do đường sá đi lại hư hỏng. Năm 2018, cầu treo bắc qua sông bị gió bão đánh gãy, cuốn trôi khiến người dân nơm nớp lo sợ mỗi khi qua sông, nhất là lúc nước lớn" - bà Hà Thị Quế, ngụ bản Phé, bày tỏ.
Do nằm dưới hạ lưu của 2 nhà máy thủy điện và trong vùng tích nước của dự án thủy điện Hồi Xuân nên người dân 6 bản ở xã Phú Xuân gặp vô vàn khó khăn khi việc đi lại phải qua sông bằng đò. Ông Hà Văn Thống, ngụ bản Phé, cho biết sau khi cầu treo bị cuốn trôi, chủ đầu tư thủy điện Hồi Xuân hứa sẽ xây dựng cây cầu bê tông. Song, sau khi xây xong các mố cầu, công trình cũng "đắp chiếu" tới nay.
"Chúng tôi bây giờ đi không được, ở cũng chẳng xong. Bà con đã nhiều lần phản ánh nhưng toàn nhận những lời hứa suông từ chủ đầu tư" - ông Thống bất bình.
Theo bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, các công trình mà chủ đầu tư cam kết xây dựng như 3 trạm y tế, 6 điểm trường và trụ sở UBND xã (hơn 17 tỉ đồng) đến nay vẫn chưa được thực hiện. "Không chỉ nợ nhiều công trình phúc lợi của dân, một số công trình mà thủy điện Hồi Xuân cam kết thực hiện như xây lại cầu treo qua sông Mã, khắc phục bờ kè, ta-luy, nhà văn hóa, sân thể thao... vẫn chưa được thực hiện. Địa phương mong muốn chủ đầu tư sớm hoàn trả, xây dựng các công trình dân sinh cho dân như đã cam kết, đặc biệt là tiếp tục hoàn thành việc xây cầu" - bà Tuyết nhấn mạnh.
Những năm qua, UBND huyện Quan Hóa đã nhiều lần có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, đề xuất tỉnh báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tìm hướng giải quyết những tồn đọng của thủy điện Hồi Xuân. Tuy nhiên, đến nay, việc dự án khi nào tiếp tục được xây dựng, đưa vào vận hành để ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa có lời đáp.
"Các công trình dân sinh bị ảnh hưởng bởi dự án thuộc trách nhiệm hoàn trả của thủy điện Hồi Xuân. Nếu dự án không thể triển khai thì địa phương mong muốn UBND tỉnh sử dụng ngân sách xây dựng trước cho dân. Khi nào dự án triển khai trở lại thì buộc chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả tiền cho nhà nước" - ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, đề xuất.