Với nhiều yếu tố không thuận lợi như hiện nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong năm 2019 khó có thể phục hồi.
Tỉ trọng giảm dần
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc là 1 trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trên 1 tỉ USD/năm và được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh gần 50% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào năm 2017 với kim ngạch gần 1,3 tỉ USD; năm 2018, xuất khẩu sang Trung Quốc đảo chiều, giảm 5%, chỉ đạt hơn 1,2 tỉ USD.
Sang quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang đây còn 239 triệu USD, giảm tiếp 5% so với cùng kỳ năm 2018. Dù vẫn đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhưng tỉ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm rõ rệt, từ 15% năm 2017 xuống còn 14% năm 2018 và tiếp tục xuống 12% trong quý I/2019. VASEP dự báo, với nhiều yếu tố không thuận lợi như hiện nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong năm 2019 khó có thể tăng trưởng, trong điều kiện lạc quan nhất chỉ có thể tương đương năm 2018.
Cá tra là mặt hàng được Trung Quốc mua nhiều nhất cũng giảm 2% giá trị trong quý I/2019. Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng (tỉnh Hậu Giang), cho biết: "Giá cá tra tại ao hiện còn 23.000 đồng/kg, trước đây có lúc lên hơn 30.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không chịu mua. Trong ao của các xã viên đang tồn 7-8 tấn. Từ sau Tết đến giờ, giá cá tra liên tục sụt giảm không biết có phải do thị trường Trung Quốc không ăn hàng hay không?".
Tôm, mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam, đang thất thế ở thị trường Trung Quốc Ảnh: Ngọc Trinh
Ông Ong Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp), nhìn nhận xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang chậm lại, khách hàng không còn mua nhiều như trước. "Gần đây, Trung Quốc đã nuôi được cá tra nên giảm nhập khẩu, họ chỉ mua dòng phi-lê đông lạnh. Còn loại nguyên con, xẻ bướm trước đây mua rất mạnh nay họ dùng hàng trong nước. Cá nuôi tại Trung Quốc thịt màu vàng, cảm quan không bằng cá tra Việt Nam nhưng đây là lỗi không khó khắc phục" - ông Văn nói thêm.
Theo TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra trong năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy ẩn số khi dịch chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Không dễ dãi như tiểu ngạch, xuất khẩu chính ngạch phải nghiêm ngặt hơn nhiều, đây là "cú sốc" cho những doanh nghiệp (DN) lâu nay chỉ quen làm ăn qua biên mậu.
Cơ hội phát triển bền vững
Trao đổi với phóng viên về những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng lý do lớn nhất là do nước này siết chặt thương mại biên mậu. Tuy Việt Nam xuất khẩu chính ngạch qua đường biển tăng mạnh nhưng chưa bù đắp được lượng hụt của tiểu ngạch. "Điều này khiến cho giá trị xuất khẩu chung giảm nhưng là động thái tích cực giúp cho thị trường tiềm năng này lành mạnh và bền vững hơn. Cần nói thêm việc xuất khẩu chính quy bằng đường biển là do DN Việt Nam trực tiếp thực hiện theo thông lệ quốc tế, còn xuất khẩu đường bộ phải qua trung gian, rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, mặt bằng giá thủy sản năm 2019 giảm và tỉ giá biến động nên thống kê về giá trị xuất khẩu giảm nhưng chưa chắc sụt giảm về số lượng"- ông Hòe phân tích.
Theo ông Hòe, sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc không quá đáng lo. Tuy nhiên, với thị trường Trung Quốc, DN cần tuân thủ các quy định trong thương mại quốc tế để tránh rủi ro, đặc biệt là thanh toán. "Người Trung Quốc rất sành ăn nên DN cần chú ý việc bảo đảm và nâng cao chất lượng để giữ thị trường. Một tập quán của thương nhân Trung Quốc là thường đề nghị ký hợp đồng phân phối độc quyền, điều này dễ cho DN Việt lúc đầu nhưng sẽ cản trở sự phát triển sau này. Do đó, DN cân nhắc trước khi ký hợp đồng để tránh bị thiệt" - ông Hòe khuyến cáo.
Theo VASEP, trong quý I/2019, một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hút mạnh như cá ngừ tăng 223%, cua ghẹ tăng 29%, cá biển tăng 16% nhưng không bù đắp được lượng giảm của 2 mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm. Sự tăng trưởng đột biến của mặt hàng cá ngừ là do Việt Nam và các nước ASEAN được Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu nên có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh.
V.Ngọc