Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", các doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tiêu thụ hàng thủy sản tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, DN gặp những rào cản từ chính các cơ quan chức năng trong nước đặt ra.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NPTNT), hai chất kháng sinh là Enrofloxacin và Ciprofloxacin được đưa vào danh mục "Hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản" nhưng chưa quy định ngưỡng giới hạn phân tích tối thiểu (MRPL) đối với các chỉ tiêu này. Mặt khác, theo quy định của Bộ Y tế, mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y có trong thực phẩm cũng không quy định đến 2 loại kháng sinh này.
Trong khi đó, thị trường EU, một trong những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về an toàn thực phẩm lại cho phép ngưỡng MRL (Mức dư lượng tối đa cho phép) đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin trong sản phẩm thủy sản là 100ppb trong các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật. Chính Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng đã nắm bắt được quy định khi đơn vị này đã thông báo cho các doanh nghiệp thủy sản về việc cập nhật quy định của thị trường EU từ năm 2019.
"Điều này đã gây ra không ít bất cập cho doanh nghiệp. Các siêu thị không chấp nhận hàng thủy sản có chứa dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin khiến doanh nghiệp đánh mất cơ hội kinh doanh tại thị trường 100 triệu dân", ông Hòe cho hay.
Ông Hòe cho biết, phía VASEP đã có văn bản từ gửi Bộ NN&PTNT từ năm 2018 và Bộ Công Thương năm 2019 song đến nay chưa được giải quyết.
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn trong công tác xuất khẩu, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, sớm xem xét đưa kháng sinh Enrofloxacin, Ciprofloxacin vào danh mục kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản nội địa với ngưỡng MRL ≤ 100 µg/kg tương đương với EU, để doanh nghiệp thủy sản có cơ hội tiêu thị tại thị trường trong nước.