Thuỷ sản Hùng Vương (HoSE: HVG) vừa công bố BCTN 2019, trong đó Chủ tịch Dương Ngọc Minh phân trần tâm lý các ngân hàng thích doanh nghiệp ngoại hơn các doanh nghiệp nội. Họ có niềm tin vào các công ty nông nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài hơn là các doanh nghiệp trong nước.
Tâm tư của Chủ tịch
Như trường hợp của HVG, với dự án tổng duyệt cấp tín dụng là 4.000 tỷ - được Chính phủ và Thống đốc ngân hàng ủng hộ - nhưng cuối cùng chỉ cấp được chưa tròn 800 tỷ trong khi đó Công ty đã đầu tư 1.800 tỷ. Việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn đã làm cho Công ty gặp khó khăn chồng chất. Những lúc khó khăn thì ngân hàng lại không đồng hành cùng doanh nghiệp. Chỉ cần một ngân hàng dừng cho vay và chuyển nhóm thì tức thì hiệu ứng Domino xảy ra đối với các ngân hàng còn lại.
Việc HVG đầu tư tiên phong vào nông nghiệp công nghệ cao 3 năm trước là một bài học đắt giá (ví như cầm đèn chạy trước ô tô). Ngân hàng cho vay thì không thấy được hiệu qủa lâu dài mà chỉ nhìn thấy đầu tư vào ngành nông nghiệp rủi ro cao. Nhà nước cũng chưa có những quan tâm đúng mức đối với Ngành nông nghiệp.
Trước tình hình ngặt nghèo, ông Minh đã chủ động tìm gặp Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương để cùng hợp tác và hoàn thiện những mảnh ghép còn dở dang. Cụ thể, Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI (công ty con của THACO) đã thông qua chiến lược hợp tác gồm rót vốn sở hữu trực tiếp 35% HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh THADI-HVG phát triển mảng sản xuất heo giống. Hiện, THADI đã sở hữu hơn 24% vốn HVG.
Ghi nhận tại BCTN, HVG cùng THADI quyết định thành lập 2 công ty liên doanh mới là Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Tịnh Biên An Giang và Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng Phù Cát.
Bao gồm, trại heo giống công nghệ cao Tịnh Biên An Giang trong giai đoạn 1 có diện tích 394.439 m2 với tổng công suất nuôi 36.452 con. Còn trại heo Việt Thắng Phù Cát được xây dựng giai đoạn 1 trên diện tích 60.000 m2 có công suất 44.016 con.
Năm 2020 dự kiến lãi ròng790 tỷ đồng
Công ty cũng lên kế hoạch hoạt động năm 2020 (1/10/2019 tới 30/9/2020) với doanh thu 12.524 tỷ đồng với đóng góp chính từ cá và thức ăn thủy sản (chiếm 78% doanh thu). Lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 790 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2019, HVG có 24 đơn vị thành viên. Trong đó, về nuôi trồng, Công ty có 3 trại giống, 200 ha vùng nuôi tôm thương phẩm tại Bến Tre, 334 ha vùng nuôi cá tra thương phẩm.
Về chế biến, Công ty sở hữu 11 nhà máy chế biến cá với tổng công suất thiết kế trên 400.000 tấn nguyên liệu/năm và 1 nhà máy chế biến tôm có công suất 7.000 tấn/năm. Hệ thống nhà máy chế biến thủy sản của Hùng Vương có tổng công suất trên 1,5 triệu tấn/năm và 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 500.000 tấn/năm. Công ty cũng đang triển khai 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi khác tại Bình Định.
Về chăn nuôi heo, HVG đang có 3 trại heo giống tại An Giang (2 trại, tổng công suất 20.802 con) và Bình Định (1 trại, công suất 13.154 con).
Về kho lạnh, Công ty hiện sở hữu kho lạnh có sức chứa 12.000 tấn tại Lô 10 Đường Trung Tâm, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM. Công ty cũng đã bước vào giai đoạn hoàn thiện kho lạnh mới tại Lô 24, 26 ,28, 30 Đường số 1, KCN Tân Tạo, Tp.HCM. Đây là kho lạnh vận hành theo công nghệ mới nhất, 100% sử dụng rô bốt tự động với quy mô 60.000 pallet, tổng giá trị đầu tư 950 tỷ đồng. Trong đó, phần máy móc thiết bị là 610 tỷ, phần xây dựng là 230 tỷ và giá trị đất là 110 tỷ. Dự kiến tháng 9/2020 đưa vào khai thác.
Cũng trong năm 2020, Công ty dự kiến khởi động lại dự án Kho lạnh tại Lô C10 – C12, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp.HCM, diện tích đất sử dụng là 41.767,6 m2. Dự án này đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn ban đầu 469,5 tỷ đồng.
Giải trình báo cáo tài chính 2019 sau kiểm toán
Theo báo cáo kiểm toán năm tài chính 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.106 tỷ đồng và thua lỗ đến 1.075 tỷ đồng. Nói về lý do chênh lệch con số sau soát xét, HVG cho biết:
+ Doanh thu tăng 155 tỷ nhưng giá vốn tăng hơn 236 tỷ đồng chủ yếu do loại trừ doanh thu và giá vốn từ các giao dịch nội bộ chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC, giá vốn tăng cũng do ảnh hưởng bởi việc xử lý hàng tồn.
+ Chi phí tài chính tăng thêm 54 tỷ do trích lập thêm lãi vay.
+ Chi phí bán hàng tăng do ghi nhận thêm chi phí vận chuyển, xếp dỡ hàng xuất khẩu tại HVG với số tiền hơn 84 tỷ đồng.
+ Lỗ chia từ các công ty liên doanh liên kết tăng 23 tỷ do tăng lỗ theo tỷ lệ sở hữu.
+ Chi phí quản lý tăng 249,5 tỷ do trích lập bổ sung nợ phải thu khó đòi, trích lập bổ sung các khoản ứng trước.
+ Chi phí khác tăng do xử lý nguyên vật liệu hư hỏng, kém chất lượng và chi phí phạt chậm thanh toán tại Cty TNHH Giống - Chăn nuôi Bình Định.
+ Chi phí thuế TNDN tăng do trích bổ sung thuế TNDN tại Địa ốc An Lạc.