Hôm nay 10.11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Đà Nẵng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017. Nhiều kỳ vọng về hợp tác thương mại cả song phương và đa phương với Mỹ được các chuyên gia đặt ra trong chuyến viếng thăm này của vị chủ nhân Nhà Trắng.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đã sụt giảm kể từ ngày Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền
Trên thực tế, nhiều năm liền Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn của nông sản Việt Nam, từ cá tôm, cà phê, tiêu, đồ gỗ... Đối với các doanh nghiệp thủy sản, Mỹ là thị trường “khó tính” nhưng nếu xuất khẩu được “công” (container) nào đều có lời “công” nấy, phần vì giá bán vào Mỹ khá tốt, phần vì một khi được Mỹ chấp nhận, nông sản Việt dễ dàng hơn khi “chào hàng” vào các thị trường khác.
Thế nhưng, trong gần một năm qua, kể từ ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, đã có thêm nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng nước này... khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thêm phần khó khăn, khiến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của nhiều mặt hàng đã giảm, chủ yếu là cá, tôm.
Tính đến cuối tháng 10.2017, vị trí “xếp hạng” các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam đã thay đổi, trong đó, EU vươn lên trở thành thị trường số 1, Nhật Bản giữ vị trí thứ 2, Trung Quốc nắm vị trí thứ 3 và Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4. Trước đó, Mỹ luôn giữ vị trí số 1 trong nhiều năm liền.
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng thông tin, trong giai đoạn này, xuất khẩu tôm sang “tốp” 5 thị trường chính đều tăng ở mức 2 con số, trừ thị trường Mỹ giảm 6,3%.
Bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết tôm Việt Nam sang Mỹ 9 tháng đầu năm nay có chiều hướng đi xuống do tác động từ việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11).
Trong khi đó, về phía Việt Nam, nhiều rào cản chồng chất, cả về chất lượng, thuế chống bán phá giá… đang khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn tại thị trường Mỹ.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cũng cho biết ngoài những khó khăn hiện tại, kể từ năm 2018, Mỹ và EU sẽ áp dụng quy định bắt buộc các nhà nhập khẩu tôm phải thực hiện cấp chứng chỉ ASC và BAP, đồng thời thực hiện việc truy xuất điện tử các chứng chỉ này. Còn đối với các sản phẩm tôm sinh thái, từ năm 2018, thị trường Mỹ và EU còn yêu cầu phải có thêm các chứng nhận về quy trình nuôi sinh thái.
Những yêu cầu mới này rất khó thực hiện cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt với hình thức nuôi tôm sinh thái của Việt Nam như tôm rừng tại một số tỉnh ven biển ở ĐBSCL, vì diện tích nuôi nhỏ, sản lượng rải rác… Việc cấp chứng nhận sẽ tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian.
Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump trước đây luôn là thị trường số 1 của xuất khẩu tôm Việt Nam
Không chỉ tôm, sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Mỹ 10 tháng đầu năm cũng giảm mạnh đã làm bức tranh cá tra thêm “tối màu”. 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Cho dù tính đến hết tháng 9.2017, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1,3 tỷ USD nhưng tại hai thị trường quan trọng là Mỹ và EU, giá trị xuất khẩu vẫn trên đà sụt giảm.Sau khi Mỹ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam từ ngày 2.8 vừa qua và quyết định sơ bộ của POR13, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12, làm các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ rất lo lắng.
Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây còn cảnh báo, có nguy cơ cá tra, cá basa Việt Nam bị ngừng nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường Mỹ từ tháng 3.2018, do chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định mới phía Mỹ đặt ra.“Nước Mỹ với Tổng thống Donald Trump đã quay lưng với thương mại tự do, thẳng thừng bác bỏ TPP và nêu quan điểm rõ rệt về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này gặp nhiều khó khăn”, ông Hòa nói.
Hiện có 14 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chính sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể là Vinh Hoan Corp, Hung Vuong Corp và Bien Dong Seafood. Các doanh nghiệp khác chỉ thực hiện hợp đồng cầm chừng hoặc bỏ hẳn thị trường này do thuế chống bán phá giá cao.
Còn với hải sản, từ ngày 1.1.2018 tới, chương trình SIMP của Mỹ chính thức có hiệu lực, buộc các nhà nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn gốc đánh bắt. Như vậy, sau EU, Mỹ là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam triển khai các biện pháp chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Nhiều doanh nghiệp lo lắng, với khối lượng công việc rất lớn trong SIMP, liên đới từ tàu thuyền, nhà xưởng cho đến các cơ quan nhà nước thì việc chỉ còn hơn 2 tháng nữa để thực hiện sẽ gây nhiều áp lực cho họ
Hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu khoảng 230.000 tấn cà phê, trị giá khoảng 500 triệu USD vào Mỹ. Mỹ cũng là thị trường lớn của điều Việt Nam, lượng nhập khẩu hằng năm khoảng 80.000 tấn hạt điều các loại, chiếm gần 50% tổng lượng điều nhân nhập khẩu của nước này. |