Một trong những ngôi nhà ở nổi tiếng nhất Sài Gòn là nhà chú Hỏa.
Mặt tiền của ngôi nhà gồm phong cách mái vòm tròn, vòm nhọn, mái cửa vào theo thức bản địa và lối đi hai bên không cho đâm thẳng vào nhà.
Nhiều tài liệu để lại cho thấy ông Hui Bon Hoa - tên đầy đủ của chú Hoả - là một người giàu lên từ giới bình dân, nhưng ngôi nhà của ông lại là một kiệt tác kiến trúc bác học. Điều đó hoàn toàn khác với cái thông lệ chúng ta thường thấy… Nói không ngoa, chính ông đã tạo nên phong cách chuẩn mực cho nhà ở Sài Gòn trong một thời gian dài, dẫu rằng sau những năm 1930, Art Deco thoái trào.
Nhà được xây vào năm 1920, gồm bốn tầng - một trệt, ba lầu, theo phong cách Art Deco rất hiện đại thời đó, ra đời và thịnh hành tại Paris trong những năm 1920.
Khi du nhập phong cách này vào Việt Nam, người Pháp đã đồng thời xử lý tuyệt hảo các ngôi nhà trước cái nóng của xứ nhiệt đới thời chưa có máy lạnh. Với ngôi nhà của chú Hoả, thì cách xử lý này cũng vậy.
Art Deco vốn là một phong cách dễ bị tẩu hoả nhập ma khi pha trộn các phong cách khác một cách thô thiển. Nhưng ngôi nhà chú Hoả được “chiết trung” tốt các phong cách giữa phương tây và bản địa.
Giếng trời như là chiếc máy lạnh sạch thời kỳ này.
Nói “chảnh” một chút, hồi đó tuy chưa có điện nhiều, nhưng ngôi nhà đã bị “ô nhiễm” vì “quá dư” ánh sáng.
Tự nhiên và ánh sáng tràn tự nhiên vào những “trùng thiềm” rất lớn này. Nó cho người ta cảm giác sống trong hẻm cao cấp, tĩnh lặng, trốn cái ồn của mặt tiền. Hẻm là môi sinh đặc trưng và muôn sắc của người Sài Gòn. Chú Hoả là nhà kinh doanh bất động sản hẳn “giác ngộ” được không gian sống hẻm này của xứ nhiệt đới hơn ai hết.
Người ta có thế nhìn thấy nét “điệp ốc” theo thức trùng thiềm điệp ốc (hiên liền hiên, mái nhấp nhô san sát) của bộ mái nhà này.
Ban công của ngôi nhà thiếu một cửa đầy trăm này được tận dụng để phô trương các hoa văn của sắt - chất liệu đến giờ vẫn đang còn đương đại. Các hoạ tiết gốm địa phương được đưa vào ngôi nhà đi chung với những hình khối vòm Gothique.
Không gian cầu thang và đèn trời cửa sổ kính lớn. Lối đi giữa các phòng với những hình khối bêtông thanh thoát.
Chi tiết hoa văn tay vịn cầu thang. Hoa văn trang trí, linh hồn của Art Deco, tạo ra sự mềm mại và thân thiện.
Theo nguoidothi.net.vn