1. Yên ắng, trầm mặc! Sau một vòng dạo quanh làng, cảm nhận trong tôi chỉ có thế, phía dòng sông, hoàng hôn rũ bóng càng khiến cho ngôi làng thêm yên bình. Thủy Tú là một trong hai làng (cùng làng An Phú) thuộc thôn Thủy Phú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) như một xóm nhỏ chừng hơn 70 hộ dân. Theo biến thiên của thời gian, vùng đất của ngôi làng này “dung nạp” thêm nhiều con dân tứ xứ.
Một góc làng Thủy Tú yên bình. Ảnh: QUỲNH VIÊN.
Trước khi ghé thăm làng nhỏ này, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh tiết lộ cho tôi về một ân điển thu thuế mặt nước Vua ban cho con dân Thủy Tú. Song, câu chuyện này bây giờ không phải người nào ở làng vẫn còn tường minh.
Lần theo dấu tích lịch sử, những bậc tiền nhân vốn khai canh vùng đất này chính là những thủy binh ngày xưa theo chúa Nguyễn vào Nam. Và có lẽ bởi công lao của họ mà Vua ban đặc ân thu thuế trên mặt nước sông Hương và một phần rộng lớn phá Tam Giang. Nhiều thế hệ dân Thủy Tú sau đó thừa hưởng thứ quyền lực được xem là tối cao trên sông nước, dù rằng họ không phải là ngư dân hay nông dân thực thụ.
Ông Lê Văn Sự, một trong số ít người Thủy Tú am hiểu lịch sử làng tự hào khi nhắc đến điều này. “Từ sơn đầu chí hải khẩu, thượng Bình Trị hạ chí Can Lô, thủy diện thế vi điền”, nghĩa là mặt nước thế ruộng từ vùng Hương Trà đến phía cửa biển Thuận An; đầm Chuồn, đầm Sĩ Cạn, đầm Diên Trường, đầm Diên Sâm mặt nước đều là của Thủy Tú cai quản. Nếu ai khai thác, làm nghề mặt nước trên sông đều phải đóng thuế cho làng. Thuế được thu làm việc làng, còn dư tiền thì phân phát cho dân trong làng”, ông Sự chia sẻ.
Tương truyền, ngày trước ở Thủy Tú, cứ vào ngày 10/10 Âm lịch hàng năm, tại ngôi làng này rộn ràng như ngày hội với những phiên đấu giá mặt nước của các sở sáo thuộc địa phận cai quản của làng. Mỗi năm đấu giá 2 lần và người trúng thầu sẽ được khai thác trong vòng một năm.
Hay câu chuyện vị quan lớn giúp dân Thủy Tú thắng kiện vụ tranh chấp mặt nước ở vùng đầm Diên Trường với làng Diên Trường, để rồi quyền cai quản mặt nước từ đó được mở rộng thêm.
“Đó là những câu chuyện không chỉ lưu truyền mà có những tư liệu hẳn hoi”, ông Sự nói rồi giới thiệu về tấm bản đồ bằng vải xác định ranh giới mặt nước, trong đó có sự rạch ròi phân định địa phận cai quản mặt nước trên sông Hương, đầm phá Tam Giang của con dân Thủy Tú. Cùng với đó là ba cuốn Châu Bộ từ thời Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức.
Bên trong ngôi đình làng Thủy Tú là những gian thờ các dòng họ. Ảnh: NVCC.
Ở Thủy Tú, dấu tích còn lưu lại rõ nét nhất chính là ngôi đình làng mặt hướng về phía sông. Ngôi đình ngày trước được xây dựng từ những đồng tiền thuế thu được trên sông nước. Ông Sự bảo, trong ngôi đình lịch sử đó thờ 4 họ khai canh, khai khẩn là Lê, Nguyễn Đăng, Nguyễn Đại, Nguyễn Quang.
Ông Sự giải thích việc mỗi họ tộc không có một nhà thờ riêng như những ngôi làng khác trên dải đất hình chữ S, là bởi hàng năm muốn dân làng về tập trung đông đủ để nhận tiền phân phát từ thuế thu được.
“Họ Lê là Thượng tướng quân có công khai canh; họ Nguyễn Đại là Hải quân, Nguyễn Quang là Thủy tổ có công khai khẩn. Làng có 4 thành phần gồm: “Hiện tại, thượng thành, kính hạ, linh tinh”, nghĩa là ngoài con em cư ngụ trên đất Thủy Tú còn có dân làng định cư ở nơi khác như, Thượng Thành, vùng Thuận An, Phú Thuận thuộc Phú Vang ngày nay (kính hạ) và con em được dựng vợ gả chồng sinh sống khắp các địa phương (gọi là linh tinh). Nhờ tiền thuế trên sông nước, dân Thủy Tú luôn rủng rỉnh, bởi rứa mới có câu: “Cơm Mỹ Á, cá Hữu Yên, tiền Thủy Tú”, ông Sự cho biết.
Quyền cai quản mặt nước hiện đã không còn, con dân Thủy Tú tỏa tứ xứ mưu sinh, làng ít bóng người. Những người con thế hệ ngày trước mù mờ về nghề nông, ngư nghiệp bây giờ có người hàng ngày bám ruộng đồng, cũng có người giăng câu thả lưới, buôn bán. Lịch sử là thế và hôm nay, đất Thủy Tú “dung nạp” thêm những con dân làng khác như cách họ “linh tinh” năm xưa…
2. Trong câu chuyện, tôi vờ nhắc đến xóm vạn chài Thủy Phú và xóm Lò (nằm trên đất làng Thủy Tú), ông Sự cười xua tay: “Đó không phải là con dân gốc làng này, họ chỉ cư ngụ trên vùng đất này để mưu sinh”.
Dọc các dải đất ven sông, lẩn khuất sau những rặng cây những năm trước không khó bắt gặp nhiều hộ dân vạn chài vì miếng cơm, manh áo nhọc nhằn mưu sinh. Xóm vạn chài Thủy Phú gieo neo ở nhánh hợp lưu giữ sông Hương và sông Bồ.
Xóm vạn chài trên đất làng Thủy Tú sắp được lên bờ. Ảnh: QUỲNH VIÊN.
Dọc theo triền sông, dấu tích những lò gạch cũ cho thấy, một thời vùng đất này “dung nạp” những con dân chuyên sản xuất gạch thủ công. “Điều đó chứng minh, khu vực làng Thủy Tú có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Những người sản xuất gạch chủ yếu có gốc gác từ Quảng Nam và các địa phương khác.
Họ chọn đất này định cư bởi có nguồn nguyên liệu dồi dào, địa thế thuận lợi cho việc giao thương, kể cả đường thủy và đường bộ. Bởi thế mà ngày xưa sản phẩm của họ không chỉ cung cấp cho các địa phương mà còn trong cung cấm.
Dân vạn đò, sau nhiều cuộc di dân, họ chọn ngã ba sông định cư cũng thuận lợi cho việc đánh bắt, nguồn thủy sản ở vùng mặt nước xung quanh khu vực này khá dồi dào, việc mua bán cũng thuận lợi hơn các nơi khác”. Dứt lời, ông Sự hướng ánh mắt về vùng đất cạnh đình làng – nơi mà trong tương lai gần, mấy chục hộ dân xóm vạn chài sẽ tái định cư. Nó nằm trong lòng ngôi làng “huyền thoại”.
Điệp khúc buồn nơi ngã ba sông dần lùi vào ký ức. Bỏ qua những điều khốn khó có thể bây giờ vẫn còn đeo đẳng, xóm chài nhỏ trên đất làng Thủy Tú hôm nay là nơi nổi tiếng sản sinh ra những tay chèo cự phách.
Trong một lần trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh Trương Đắc Giàu, ông bảo chính việc hàng ngày cầm lái con đò mưu sinh khiến sức vóc dân xóm vạn chài này hơn hẳn người thường. Những vinh quang sau hội đua cấp thị xã, tỉnh mà Hương Vinh có được cũng nhờ con dân vạn chài trên đất Thủy Tú.
Thế hệ con em xóm vạn chài sắp có một tương lai tươi mới hơn. Ảnh: QUỲNH VIÊN.
Với người dân sông nước nơi đây, đua ghe không chỉ là thú vui mà còn là “cần câu cơm”, họ là “lính đánh thuê” khắp các miệt sông nước trong và ngoài tỉnh.
“Ngày trước, dân vạn chài không biết hội đua nghe ngang dọc như răng. Nhiều năm trước, khi nghe địa phương vận động, cậy nhờ là cứ rứa cầm chèo. Sau đó, tiếng lành đồn xa, cứ có hội đua, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh thường đến cậy nhờ dân vạn đò thôn Thủy Phú cầm chèo”, anh Trần Văn Phước (người dân xóm vạn đò Thủy Phú) chia sẻ.
Nói đoạn anh Phước trầm ngâm: “Từ đầu năm đến nay vì dịch bệnh nên không có hội đua mô được tổ chức, bởi rứa mà tụi tui cũng mất đi khoản thu nhập. Trung bình tiền thuê đội đua mỗi đợt khoảng 10-12 triệu đồng. Số tiền đó với nhiều người không lớn nhưng riêng dân vạn đò thì rất đáng kể”.
Có một Thủy Tú hôm nay rất khác, không nhiều con dân còn nhớ đến gốc tích cội nguồn. Họ cũng không còn là vị “quan lớn” trên mặt nước mà trở về là thường dân với trăm thứ nghề mưu sinh, nhưng ngôi đình làng hay những tư liệu Hán Nôm quý giá đã lưu lại dấu tích một thuở để ngôi làng “huyền thoại” trong sử sách không bị tan biến theo thời gian. |