Song song với giao dịch giảm thì nguồn cung căn hộ Tp.HCM cũng ghi nhận mức thấp trong quý 2/2021. Nguồn cung sơ cấp giảm 25% theo quý và 18% theo năm xuống mức thấp nhất còn gần 3.700 căn. Nguồn cung hạn chế là do lượng căn hộ mở bán mới hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp, hơn nữa, có 10 dự án tạm dừng bán để điều chỉnh giá.
Nguồn cung mới trong quý 2/2021 từ ba dự án mới và sáu giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu đạt hơn 1.600 căn, giảm 26% theo quý và 23% theo năm và chiếm 45% nguồn cung sơ cấp trong quý 2. Hạng A và B dẫn đầu nguồn cung mới với 76%.
Theo Savills, trong quý 2/2021 tỷ lệ hấp thụ căn hộ Tp.HCM thấp nhất trong 5 năm qua. Tổng lượng giao dịch là gần 1.400 căn, giảm 35% theo quý và 36% theo năm trong khi tỷ lệ hấp thụ ở mức 37%, giảm 5 điểm phần trăm theo quý và 10 điểm phần trăm theo năm. Hạng B dẫn đầu lượng giao dịch với 49% thị phần và đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 52%. Hàng tồn còn lại tăng giá mạnh.
Lượng giao dịch từ nguồn cung mới trong quý chiếm 77% tổng lượng giao dịch trong quý 2 và đạt tỷ lệ hấp thụ đạt 63%.
Dù vậy, giá bán sơ cấp căn hộ theo Savills Việt Nam tiếp tục tăng. Gần 40% dự án sơ cấp tăng giá bán lên đến 15% trong quý. Giá giai đoạn mới các dự án hiện hữu đạt mức tăng 10% so với giai đoạn trước.
Dự báo đến năm 2024, sẽ có khoảng 120.000 căn hộ được tung ra thị trường. Thành phố Thủ Đức với tốc độ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển chiếm thị phần cao nhất với 44%. Trong nửa cuối năm 2021, dự kiến 6.800 căn từ 22 dự án sẽ được chào bán ra thị trường, chủ yếu là căn hộ Hạng C chiếm 47% thị phần.
Theo đơn vị này, Thông tư mới số 03/2021/TT-BXD về việc giảm diện tích căn hộ tối thiểu là 25m2 sẽ mang lại lợi ích cho các chủ đầu tư dự án Hạng C và sẽ cung cấp các căn hộ giá cả vừa phải ra thị trường, tuy nhiên sẽ gặp thách thức trong việc cân bằng chỉ tiêu dân số được phê duyệt cho dự án.