Nhiều mẫu ti vi màn hình cỡ lớn đang được các siêu thị đại hạ giá từ 20 đến gần 100 triệu đồng. Hàng loạt sản phẩm điện máy giảm giá từ 20-50% vẫn không có khách mua.
Đại hạ giá cả siêu thị
Tình cảnh chung của các siêu thị điện máy hiện nay là đìu hiu vắng khách. Tại một số siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội, thang cuốn ngừng hoạt động, tivi trưng bày trước kia bật tất cả thì nay tắt gần hết, chỉ để một vài mẫu hoạt động. Khi khách cần xem thì nhân viên mới bật lên để tiết kiệm điện. Mặt hàng nào cũng giảm giá mạnh, từ tivi đến tủ lạnh, điều hòa, máy giặt...
Sản phẩm giá giảm nhiều nhất là tivi các loại. Nhiều mẫu tivi 4K, 8K, Qled, Oled của các thương hiệu Samsung, LG, Sony,... đang giảm giá hàng chục triệu đồng.
Chẳng hạn như mẫu QA65Q95T- QLED 65 inch của Samsung được các siêu thị điện máy giảm giá từ 78 triệu đồng xuống còn 55,9 triệu đồng. Mẫu UA75TU8100- 4K 75 inch giảm từ 53 triệu xuống còn 37,9 triệu đồng. Mẫu QA85Q70T- QLED 85 inch, giá giảm từ 111 triệu xuống còn 69,9 triệu đồng. Với LG mẫu 86UM7500PTA - 4K 86 inch, giá giảm từ 149,9 triệu xuống còn 58,9 triệu đồng. Với Sony thì mẫu KD65A9G -OLED 65inch, giá giảm từ 89,9 triệu đồng xuống còn 63,9 triệu đồng...
Thị trường điện máy từ đầu năm suy giảm mạnh, nhiều mặt hàng đại hạ giá tới 50% |
Tủ lạnh dung tích lớn cũng có nhiều sản phẩm đại hạ giá. Chẳng hạn như tủ lạnh 4 cánh ký hiệu SJ-FX630V-ST 626 lít của hãng Sharp, giá bán giảm từ 30 triệu đồng xuống còn 18,49 triệu đồng; tủ lạnh side by side 613 lít GR-B247JDS của LG giá giảm từ 24,5 triệu xuống còn 18,49 triệu đồng; các loại tủ lạnh cao cấp thương hiệu Hitachi, Sanyo và Panasonic nhập khẩu từ Nhật Bản, có giá trên 100 triệu đồng cũng giảm hơn chục triệu đồng mỗi chiếc.
Đã hết mùa nắng nóng nên mặt hàng điều hòa không còn đông khách. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn như Samsung, LG, Toshiba... giá giảm từ 10-50%. Theo đó, một số mẫu điều hòa bình dân công suất tầm trung 12.000 BTU hạ giá còn 6-9 triệu đồng, còn dòng điều hòa công suất lớn từ 21.000 BTU giảm về mức 19-30 triệu đồng.
Các sản phẩm khác như máy giặt, máy lọc không khí, máy ảnh, bếp từ,... giá cũng giảm từ vài triệu tới cả chục triệu đồng.
Theo nhân viên bán hàng, giảm giá mạnh nhất thuộc về hàng bày mẫu, tiếp đó là hàng “trôi bảo hành”, tức là những sản phẩm nhà sản xuất sau khi xuất hàng cho siêu thị là xuất luôn giấy bảo hành. Đã hết hạn bảo hành mà chưa bán được, nay giảm giá và có bảo hành của siêu thị.
Tiếp đến là các mặt hàng lỗi mốt, ví như tivi 4K, các mặt hàng sản xuất từ những năm trước còn lại,... Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm mới sản xuất năm 2020 cũng giảm giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Lý do là ít khách mua.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, các cửa hàng, siêu thị điện máy đã không ngừng sử dụng các quảng cáo như: “giảm giá sốc”, “cơn lốc quà tặng”, “đại hạ giá”, “giảm giá không phanh”,... nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, nhưng cũng không hiệu quả.
Tồn kho lớn
Các sản phẩm điện máy vốn thuộc nhóm hàng không thiết yếu được ưu tiên mua sắm của đông đảo người tiêu dùng. Trong cơn đại dịch, với tâm lý thắt chặt chi tiêu nên vắng khách là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, nhu cầu về hàng điện máy thường gắn liền với thị trường bất động sản. Nếu có nhiều người mua nhà mới, sẽ tăng mua sắm trang thiết bị trong nhà. Nhưng thị trường bất động sản cũng đang trầm lắng, vì vậy điện máy cũng “chết” theo.
Doanh số bán của một số siêu thị điện máy tại Hà Nội giảm tới 30% so với cùng kỳ 2019. |
Không những thế, hàng đã bán chậm lại bị cạnh tranh bởi các kênh bán hàng online, có lợi thế chi phí thấp, do không phải thuê mặt bằng lớn, ít nhân viên,... nên càng khó khăn hơn.
Thời gian này, một số siêu thị điện máy đã bán thêm các sản phẩm mới như gạo, đường, dầu ăn, muối, bột ngọt, mì gói, thực phẩm chế biến đóng hộp, nước rửa tay, nước rửa chén bát, xịt phòng... để tăng doanh số bù đắp cho sản phẩm chính.
Các siêu thị điện máy cho biết, từ đầu năm đến nay hầu như không mở thêm điểm bán mới, ngược lại còn phải đóng cửa những điểm bán có doanh số thấp. Mọi chi phí cắt giảm tối đa. Một số siêu thị đã giảm 1/4 nhân viên từ đầu năm tới nay, lương cũng bị cắt giảm để duy trì hoạt động. Cùng với đó, hàng tồn kho tăng cao, cho dù đã giảm nhập vào.
Những siêu thị điện máy lớn hiện đang tồn kho sản phẩm trị giá hàng nghìn tỷ đồng, dư hàng để bán trong hơn 1 năm nữa mà không cần nhập thêm. Mặc dù hàng điện máy để lâu không lo về hạn sử dụng, nhưng vòng đời nhiều sản phẩm rất ngắn, mỗi năm đều có các mẫu mã mới ra mắt. Vì vậy, những mẫu cũ không bán được, coi như lỗi mốt và càng để lâu càng mất giá, cuối cùng cũng phải đại hạ giá.
Một số siêu thị điện máy lớn cho biết, mơ ước nhất là năm nay bán hàng hòa vốn. Nhưng mơ ước này cũng không dễ thành hiện thực. Trong hoàn cảnh doanh số sụt giảm mạnh, chi phí hoạt động vẫn cao thì khó tránh khỏi thua lỗ.
Xu hướng chung của các siêu thị điện máy từ nay đến cuối năm là sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí, đóng cửa những điểm bán không hiệu quả, đẩy mạnh kênh bán hàng online và tung ra những chương trình giảm giá sốc, để nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho. Nếu vẫn khó khăn, sẽ tiếp tục cắt giảm lao động, giảm lương.
Trần Thủy