Tianhong AM sẽ đầu tư vào chứng khoán Việt Nam
Tianhong Asset Management (Tianhong AM) - một công ty có trụ sở tại Thiên Tân và được Ant Financial nắm giữ 51% - đã ra mắt sản phẩm China QDII đầu tiên nhằm đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, Fund Selector Asia trích dẫn.
China QDII là sản phẩm đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc dành cho các tổ chức nội địa đáp ứng đủ điều kiện. Sản phẩm này cho phép các tổ chức và nhà quản lý quỹ có thể đầu tư ra nước ngoài trong một hạn mức cho phép. Hạn mức mà Tianhong AM được cấp phép là 200 triệu USD.
Quỹ đầu tư chứng khoán mà Tianhong giới thiệu tại Việt Nam sẽ đầu tư theo chỉ số VN30, chỉ số bao gồm 30 cổ phiếu lớn nhất niêm yết tại HoSE. Trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) vừa qua, quỹ huy động được số vốn tối đa theo cấp phép là 200 triệu nhân dân tệ (28,9 triệu USD). Tianhong AM chưa cung cấp nhiều thông tin hơn về China QDII.
Tianhong AM sắp dầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Sản phẩm QDII tại Việt Nam được ra mắt sau khi Tianhong AM cũng giới thiệu thành công sản phẩm QDII đầu tiên tại Mỹ hồi tháng 9/2019.
Bên cạnh các quỹ nội địa, Tianhong AM còn là đối tác phân phối cho một số sản phẩm được bán theo chương trình MRF (Mutual Recognition of Funds - các quỹ đáp ứng được quy định tại nhiều hơn 2 thị trường để có thể phân phối chéo cho nhà đầu tư).
Tianhong AM là ai?
Tianhong AM được thành lập vào ngày 8/1/2004 tại Trung Quốc với vốn đăng ký 514,3 triệu RMB (nhân dân tệ), hoạt động theo mô hình quỹ tương hỗ (mutual fund). Vào năm 2013, Tianhong cùng với Alipay cho ra quỹ thị trường tiền tệ Yu’ebao.
Trụ sở chính của Tianhong AM. Nguồn: Archdaily.com |
Tianhong AM là nhà quản lý quỹ đầu tiên tại Trung Quốc có tổng tài sản quản lý vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ (142 tỷ USD). Các sản phẩm chính của Tianhong AM là quỹ đầu tư vốn, đầu tư trái phiếu, đầu tư chỉ số, quỹ thị trường tiền tệ và MRF.
Theo dữ liệu công khai tính đến 30/6/2016, các quỹ của Tianhong nhận được vốn từ 295 triệu khách hàng, riêng Yu’ebao đã có 260 triệu người dùng. Tổng tài sản quản lý tại thời điểm này đã đạt hơn 850 tỷ RMB.
“Hiện nay Tianhong đang giảm sự phụ thuộc vào Yu’ebao bằng cách tung ra các sản phẩm phi tiền tệ, bao gồm các sản phẩm đầu tư ra nước ngoài”, Reuters trích lời Liu Dong, giám đốc bộ phận kinh doanh quốc tế của quỹ.
Động thái ra mắt sản phẩm mới của Tianhong diễn ra sau khi chính quyền Trung Quốc muốn kiềm chế sự tăng trưởng của các quỹ thị trường tiền tệ những năm gần đây. Năm 2017, Yu’ebao chiếm đến 28% thị phần quỹ thị trường tiền tệ tại Trung Quốc và hiện là một trong những quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới.
Ant Financial - kiểm soát 51% tại Tianhong AM - là công ty quản lý 48 quỹ thành viên đang kinh doanh tất cả các sản phẩm, bao gồm cả đầu tư vào dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh…Đây là một nhánh của Alibaba Group, đang sở hữu nền tảng thanh toán lớn nhất Trung Quốc có tên Alipay. Ant Financial đã và đang mở rộng ra các thị trường châu Á và châu Âu. Một số thương vụ lớn như thâu tóm helloPay, đầu tư vào Paytm…
Tại Việt Nam, công ty thuộc hệ sinh thái của tỷ phú Jack Ma cũng đàm phán đầu tư vào ví điện tử eMonkey (thuộc sở hữu của M-Pay). Hiện Tổng Giám đốc của M-Pay là Ou Yang Sau Vern và Chủ tịch là Leiming Chen đều đang làm việc cho Ant Financial. Nếu thành công, đây sẽ là thỏa thuận thanh toán quốc tế thứ 8 của Ant Financial.