Thị trường phiên thứ hai ngày 6/12/2021 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Đặc biệt, loạt CTCK bán giải chấp khiến nhiều cổ phiếu chạm sàn, bao gồm nhóm thép. Chịu áp lực chung, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có lúc về mốc 45.000 đồng/cp và chốt phiên với ~48.000 đồng/cp – giảm hơn 17% so với mức đỉnh thiết lập gần nhất hồi cuối tháng 10 (58.000 đồng/cp).
Trong bối cảnh liên tục giảm, thành viên thuộc nhóm quỹ Dragon Capital đã có động thái bán ra 600.000 cổ phiếu HPG. Cụ thể, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company – thành viên thuộc nhóm quỹ Dragon Capital đã bán 600.000 cổ phiếu trong phiên 1/12. Qua đó, tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ tại HPG giảm từ 6% (hơn 268,6 triệu cổ phiếu) xuống còn 5,99% vốn (hơn 268 triệu cổ phiếu).
Được biết, thời gian gần đây nhóm quỹ này có động thái mua vào bán ra liên tục HPG. Trong đó, nhóm quỹ mua vào tổng cộng 5 triệu cổ phiếu HPG trong phiên 9/11 và 18/11, chiều ngược lại bán ra tổng cộng 2 triệu đơn vị trong phiên 10/11 và 1/12.
Tính chung sau gần 1 tháng giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital vẫn đạt trạng thái tăng từ 5,91% lên 5,99% vốn.
Về kinh doanh, bên cạnh mảng chủ lực là thép, HPG cũng đẩy mạnh nhiều mảng mới như nội thất, đẩy mạnh bất động sản (và có cả chăn nuôi). Mới nhất, HPG và Tập đoàn KDI Holdings đã đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án gồm: Quy hoạch vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực sông Cái Nha Trang. Nhà đầu tư cũng đã trình bày sơ bộ ý tưởng lập các phân khu và các hạng mục đầu tư cụ thể thuộc 2 dự án này.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên kiến nghị tỉnh Khánh Hòa các vấn đề về: Chấp thuận với đề xuất nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa. Trong giai đoạn đầu, 2 tập đoàn này đề xuất được nghiên cứu lập dự án 4 phân vùng chức năng (Khu công nghiệp Ninh Xuân, khu du lịch và dịch vụ suối khoáng nóng Trường Xuân, khu đô thị khoáng nóng, khu sân golf).
Tại báo cáo mới đây, SSI Research dự kiến kết quả kinh doanh quý 4 của HPG tiếp tục đạt tăng trưởng cao, cụ thể gấp đôi so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng của cả sản lượng và giá thép. Trong đó, tiêu thụ thép tại thị trường nội địa phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 nhờ nhu cầu dồn nén sau giãn cách, đồng thời kênh xuất khẩu vẫn duy trì khả quan. Giá thép mặc dù có xu hướng giảm theo xu hướng chung của giá thép thế giới nhưng vẫn cao hơn khoảng 40-60% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu dồn nén và các hợp đồng giá ký trước. Giá quặng sắt cũng như giá thép tại Trung Quốc đang có xu hướng phục hồi từ mức đáy cũng là một yếu tố hỗ trợ mặt bằng giá thép trong nước.
Ước tính cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của HPG dự báo đạt mức kỷ lục 36,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 172% so với cùng kỳ.