CTCP Gemadept (HOSE: GMD) được biết đến là một doanh nghiệp khai thác cảng trong nước với tham vọng hoàn thiện hệ thống Logistics hàng hóa tích hợp, bao gồm tất cả các công đoạn từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng, từ vận tải biển, cảng, trung tâm phân phối đến vận tải hàng không, đường thủy và đường bộ. Hiện, chuỗi tích hợp Logistics của Gemadept gồm 6 mảng: Ports/ICD/Depot, Shipping, Project Cargo, Air Cargo Terminal, Trucking và Distribution Centers.
Từng không bán SCSC...vì tiếc
Đáng chú ý, đầu tháng 10/2017, Gemadept đã chuyển nhượng 50,9% vốn của Gemadept Shipping Holding và 50,9% vốn của Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics. Trong đó, đóng vai trò mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị doanh nghiệp, mảng ga hàng hóa hàng không - thông qua nắm giữ cổ phần tại CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) - từng được CTCP Gemadept (GMD) tính vào giá trị chuyển nhượng cho CJ Logistics, tuy nhiên sau đó đôi bên đã có những cân nhắc.
Theo đại diện Gemadept, chính Công ty không muốn bán vì tiếc, đây đang là "gà đẻ trứng vàng" sẽ mang về những giá trị vượt bậc thời gian tới. Đồng thuận, đối tác lúc bấy giờ cũng chưa muốn mua lại vì giá trị quá lớn. Điều này cũng giải thích tại sao tổng giá trị chuyển nhượng của Gemadept cho CJ Logistics trên thực tế đâu đó khảng 95 triệu USD, thấp hơn so với dự kiến ban đầu là 125 USD.
Hướng đến khai thác sân bay Long Thành!
Mặt khác, không những không thoái, ngược lại phía Gemadept ngỏ ý đang muốn mua thêm cổ phần tại SCSC, tức tăng sở hữu tại mảng khai thác ga hàng không này. Hiện, Gemadept đang nắm giữ 32,25% vốn tại SCSC (tương đương hơn 18,4 triệu cổ phiếu), cùng với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (nắm 13,12% vốn), Công ty TNHH MTV Sữa chữa Máy bay 41 (nắm 12,6%) và CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không (nắm 8,83% vốn).
Được biết, nếu tính theo giá thị trường thì mảng này đạt giá trị khoảng 3,000 tỷ đồng, song Gemadept vẫn quyết giữ lại để phát triển, hướng đến tham vọng xây dựng một chuỗi giá trị khai thác Logistics đầy đủ các mảng. Chưa kể, tính cạnh tranh tại mảng này đang rất hiếm, tính đến nay chỉ có thể cạnh tranh với Vietnam Airlines, thậm chí muốn làm được mảng này không hề dễ dàng.
Hơn nữa, ngoài Tân Sơn Nhất, Gemadept cho biết đang nuôi mộng lớn sẽ khai thác mảng cảng hàng không tại sân bay Long Thành sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động. Rộng hơn, SCSC còn được hướng đến khu vực khác như Cam Ranh, Đà Nẵng, Hải Phòng… với tỷ suất lợi nhuận rất cao.
Kế hoạch là vậy, song câu hỏi đặt ra là liệu SCSC có gì để có thể trúng cử khai thác ga hàng không tại sân bay Long Thành trong lương lai? Trả lời điều này, đại diện Gemadept cho biết lợi thế duy nhất và quyết định của SCSC trong quá trình khai thác cảng hàng không – Công ty hiện là một đơn vị hoạt động hiệu quả trên thị trường. Hơn nữa, theo Gemadept, thời gian qua, SCSC đã và đang chuẩn bị rất nhiều, đợi đến khi nào có thể sẽ đầu tư vào ngay.
SCSC đang hoạt động như thế nào?
Đồng ý rằng, lĩnh vực kinh doanh nhà ga, cho thuê kho, vận chuyển hàng hóa tại sân bay đang là một trong những lĩnh vực hot nhất hiện nay. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể khai thác được.
Theo như Bản công bố thông tin của SCSC cho biết, hiện SCSC là Công ty duy nhất được Cục Hàng không công nhận là ga hàng hóa. SCSC cũng là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ kho thu gom hàng lẻ hàng không suất khẩu và kho ngoại quan chuyên dùng hàng tươi sống tại Việt Nam.
Đưa nhà ga vào hoạt động từ năm 2010, hiện phía Nam, SCSC được xem là một thế lực chia đôi thị trường với Tân Sơn Nhất Cargo (TCS) – đơn vị có lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển. Song hành với cánh phía Bắc có Nội Bài Cargo (NCT) và CTCP Logistics Hàng không (ALS) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Hàng không (ACSV) phân chia thị phần. Về hoạt động kinh doanh, số liệu từ năm 2008-2014 cho thấy, dù hiệu quả hoạt động vẫn rất cao nhưng tốc độ tăng trưởng của TCS có vẻ như đang chững lại, biên lợi nhuận cũng theo chiều hướng giảm kể từ khi SCSC gia nhập cuộc chơi.
Giai đoạn sau đó (2014-2017), SCSC liên tục tăng trưởng đều đặn cả doanh thu và lợi nhuận, con số phần trăm cũng cho thấy tăng trưởng khi biên lãi tăng mạnh lên mức 65% đến cuối năm 2017. Được biết, nói về khả năng tạo lợi nhuận trên doanh thu, SCSC chính là doanh nghiệp đang có mức biên lãi gộp vượt bậc. Theo SCSC cho biết, Công ty là đơn vị đầu tiên tại châu Á sử dụng hệ thống quản lý hàng bằng mã vạch (barcode), nhờ đó việc quản lý hàng được thực hiện chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đặt kế hoạch cho năm 2018, SCSC kỳ vọng doanh thu thuần đạt 694 tỷ và lợi nhuận trước thuế tương ứng là 446 tỷ đồng. Riêng quý 1, SCSC báo lãi trước thuế hơn 102 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 91 tỷ đồng, tăng trưởng 18,6% so với quý 1/2017. Nếu so với kế hoạch lợi nhuận cả năm thì Công ty đã thực hiện được 22% chỉ tiêu đặt ra.
Cổ phiếu tăng gấp 3 lần sau 1 năm trên UPCoM
Không chỉ hoạt động hiệu quả, giá cổ phiếu SCS của SCSC trên thị trường cũng ghi nhận những bước tăng ấn tượng.
Chính thức đăng ký giao dịch hơn 49,4 triệu cổ phiếu trên UpCOM (trừ số cổ phần ưu đãi cổ tức) vào tháng 7/2017 với giá tham chiếu 52.000 đồng/cp, đến nay chỉ sau chưa đầy 1 năm, thị giá đã tăng hơn 3 lần lên 168.500 đồng/cp (chốt phiên 17/5/2018).
Mặt khác, Sở GDCK TpHCM cũng vừa thông báo đã nhận được hồ sư đăng ký niêm yết lần đầu của SCSC.
Biến động giá cổ phiếu SCS