Theo hãng CNN, nhà sản xuất vaccine Pfizer đã đưa ra dữ liệu cho thấy, tiêm liều vaccine thứ 3 của Pfizer sẽ giúp tăng mức bảo vệ trước biến thể Delta. Theo đó, mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta tăng gấp 5 lần ở người 18 – 55 tuổi được tiêm mũi thứ 3; còn ở người 65 – 85 tuổi, mức độ kháng thể này tăng gấp 11 lần so với sau khi tiêm mũi thứ 2. Pfizer cũng đưa ra khuyến nghị tiêm liều thứ 3 dựa trên các nghiên cứu ở Israel.
Vào tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu Anh cũng công bố kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, tiêm liều thứ 3 vaccine AstraZeneca có thể giúp tăng nồng độ kháng thể trong cơ thể. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy liều thứ 3 vaccine sẽ mang lại mức bảo vệ đáng kể nếu hiệu quả 2 liều đầu tiên giảm dần theo thời gian.
Tuy nhiên, mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vaccine phòng Covid-19 cho những người đã tiêm đủ 2 liều, ít nhất là đến cuối tháng 9. Theo ông, việc trì hoãn này nhằm đảm bảo rằng các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm phòng Covid-19.
Trong các báo cáo của những chuyên gia hàng đầu WHO cho biết, chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để phòng Covid-19. Các loại vaccine có trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của Covid-19 nếu người đó được tiêm đầy đủ 2 mũi. Vì vậy, WHO khẳng định các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine để triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người dân, trong khi nhiều nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.
Hiện nay, ngoài mối đe dọa từ biến thể Delta, sự xuất hiện của biến thể Mu và biến thể C.1.2 đã đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của mũi tiêm thứ 3.
Theo Asia Times, chiến lược tốt nhất để loại bỏ biến thể Delta và các biến thể khác, không phải là tiêm liều vaccine thứ 3 ở các nước giàu có, mà là một chương trình tiêm vaccine trên toàn thế giới nhằm bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine cho nhiều người nhất có thể. Bên cạnh đó, nên tập trung vào sản xuất vaccine tại địa phương để đảm bảo các nước nghèo hơn có thể tự sản xuất vaccine.
Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho rằng, mũi tiêm tăng cường chẳng khác gì việc phát thêm áo phao cho những người đang mặc chúng.
Để thế giới nhanh chóng loại bỏ được mối nguy hại từ Covid-19, các liều vaccine dành cho việc tiêm bổ sung nên được gửi đến những quốc gia chưa tiêm chủng. Điều này mang tính cấp thiết hơn, bởi hầu hết những người tiêm mũi tăng cường đã nhận được sự bảo vệ từ 2 liều vaccine để ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19.
Asia Times khẳng định, chiến lược tiêm mũi tăng cường sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh virus Sars-CoV-2 liên tục biến đổi, những khoảng cách trong tiêm chủng trên toàn cầu sẽ tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới.