Cuộc đấu tay đôi tại phiên đấu giá lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) đã tạo nên màn trả giá "vô tiền khoáng hậu" cho lô đất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2.
Ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thông cáo báo chí trong đó cho biết, sẽ có văn bản chính thức gửi UBND TP.HCM để báo cáo, gửi Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12.
Sau tâm thư của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (Công ty Ngôi sao Việt), doanh nghiệp đã chính thức xác nhận 'rút' khỏi lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm dù trước đó, ngày 17/12/2021 (tức sau 1 tuần làm việc kể từ ngày đấu giá thành công ngày 10/12/2021), 4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP Thủ Đức trong đó có Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng của TP.HCM. Đồng nghĩa với việc Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc khoản tiền gần 600 tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại buổi đấu giá đất Thủ Thiêm ngày 10/12/2021 |
Điều dư luận quan tâm lúc này là số phận lô “đất vàng” được đánh giá đẹp nhất bán đảo Thủ Thiêm sẽ ra sao? Đơn vị trả giá cao thứ 2 trong phiên đấu giá ngày 10/12/2021 có được mua?
Quay trở lại phiên đấu giá cách đây 1 tháng, tại phiên đấu giá thứ 4 ở Trung tâm Đấu giá tài sản TP.HCM, phiên đấu giá lô đất có ký hiệu 3-12 thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm diễn ra khá kịch tính.
Lô đất 3-12 có diện tích 10.059m2 có giá khởi điểm 2.942 tỷ đồng. Vì có diện tích lớn nhất trong số 4 lô đất được bán đấu giá đợt này, do đó lô đất 3-12 thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Ở lượt trả giá 69, đại diện Capital One Financial ra giá 23.800 tỷ đồng cho lô đất. Lượt ra giá thứ 70, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trả giá 24.500 tỷ đồng (cao hơn 700 tỷ đồng) để có quyền sử dụng lô đất này, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Như vậy, tính ra mỗi mét vuông tại lô đất này được doanh nghiệp trả giá 2,4 tỷ đồng.
Về bước giá “khủng” tới 700 tỷ đồng, trong tâm thư ông Đỗ Anh Dũng chia sẻ trong quá trình tham gia đấu giá đã có rất nhiều nhà đầu tư trả giá cao đến mức 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc.
Tân Hoàng Minh bỏ cọc, cuộc đấu giá không thành công và phải tổ chức lại cuộc đấu giá khác |
“Khi chỉ còn một nhà đầu tư nước ngoài và tôi tiếp tục tham gia đấu giá, nếu tôi bỏ cuộc thì ô đất sẽ thuộc về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của các Tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước nên tôi đã quyết tâm trả giá cao hơn 3% (là 700 tỷ đồng) để giành quyền trúng đấu giá ô đất này” – ông Dũng viết trong tâm thư.
Nhà đầu tư nước ngoài được ông Dũng nhắc đến là Capital One Financial có trụ sở chính tại tại tòa nhà Trade Center 37 Tôn Đức Thắng, quận 1 (TP.HCM). Công ty này thành lập từ năm 2018, có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và không có đăng ký thay đổi từ đó đến nay gồm 3 cổ đông chính là ông Trương Hồng Võ (nắm 40% cổ phần), ông Lâm Xương Diệu (nắm 26,7%) và ông Lý Vĩ Hiền (nắm 33,3% cổ phần). Cổ đông lớn nhất và giữ vị trí Tổng giám đốc là ông Trương Hồng Võ.
Lĩnh vực hoạt động của Công ty bao gồm: tư vấn đầu tư; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu; đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất…
Cả 3 cổ đông của Capital One Financial đều là người dân tộc Hoa, quốc tịch Việt Nam và có những dấu ấn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tại thị trường Việt Nam.
Phải đấu giá lại Về lô đất đấu giá, nhìn nhận ở góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trước đó, ngày 17/12 (tức sau 1 tuần làm việc kể từ ngày đấu giá thành công ngày 10/12), 4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP.Thủ Đức trong đó có Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng của TP.HCM. Như vậy, phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá. Trường hợp này không áp dụng quy định đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ được mời mua tài sản đấu giá. “Khi Tân Hoàng Minh có văn bản chính thức gửi UBND TP.HCM để báo cáo, gửi Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất thì trong trường hợp này doanh nghiệp từ chối kết quả trúng đấu giá, không tiếp tục thực hiện hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Theo quy định tại Điều 52 Luật đấu giá tài sản cuộc đấu giá này không thành công và phải tổ chức lại cuộc đấu giá khác” – luật sư Toại cho biết. |
Thuận Phong