Trong buổi làm việc với EVN, ông Denny Abdi - Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Indonesia đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Hiện tại, Indonesia đang trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo và dự kiến có thêm khoảng 5 GW trong những năm sắp tới. Chính vì vậy, Indonesia mong muốn trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam.
Cụ thể, Indonesia mong muốn EVN chia sẻ những kinh nghiệm về thu hút đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo; kinh nghiệm vận hành hệ thống điện an toàn với tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, công tác lập kế hoạch vận hành và vận hành thời gian thực.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN, trong hơn 3 năm qua, với chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ Việt Nam, nguồn điện năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh. Trong thời gian tới, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự kiến nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được phát triển, trong đó ghi nhận định hướng tập trung phát triển nguồn điện gió với quy mô năm 2030 tăng gấp 3 lần so với hiện tại.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về trung hòa carbon vào năm 2050 tại COP26. Mục tiêu này cũng đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt là ngành điện những thách thức lớn.
Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Theo khảo sát của Chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 599 GW.
Theo số liệu thống kê, đã có 130 nước trên thế giới phát triển điện gió. Tổng công suất điện gió của thế giới tăng nhanh trong khoảng 1 thập kỷ gần đây. Kể từ năm 2010, hơn một nửa tổng lượng điện gió mới đã được bổ sung bên ngoài các thị trường truyền thống là Châu Âu và Bắc Mỹ, chủ yếu là do sự bùng nổ liên tục ở Trung Quốc và Ấn Độ.
3 quốc gia có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nguồn: WB.
Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ.
Tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8m - 10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700W/m2.
Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió của Việt Nam là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận).
Gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn mà còn có một thuận lợi khác. Ninh Thuận và Bình Thuận có số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió Nam và Đông Nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6-7m/s, tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3-3,5MW.
Trong năm 2022, Việt Nam đã thu hút một số dự án điện gió lớn. Điển hình như, vào tháng 9/2022, liên danh Tập đoàn VinaCapital và Công ty EDF - một thành viên của Tập đoàn Điện lực Pháp đã đề xuất khảo sát để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư khoảng 13 tỷ USD.
Bên cạnh đó, vào tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức. Tại sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty PNE AG (Đức) triển khai dự án điện gió ngoài khơi với tổng vốn hơn 4,6 tỷ USD.