Báo cáo cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng khi hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế quý I/2021 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%); tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,68%).
Tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý I/2021 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 11%.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 18/3/2021 đạt 5.916 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cuối năm 2020; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước.
Trên thị trường trái phiếu, hiện nay thị trường có 467 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.382 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm trước.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính chung quý I/2021, khối lượng giao dịch bình quân đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11% so với bình quân năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát thành công tại Việt Nam. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm 2021.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 234 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 161 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4%; có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu USD, giảm 58,8%, bao gồm: 179 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 281 triệu USD và 555 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 524,3 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2021 có 14 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 140,2 triệu USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 431,9 triệu USD [9] . Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,1 triệu USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021 ước tính đạt 320,1 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 269 nghìn tỷ đồng, bằng 23,7%; thu từ dầu thô 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 44,1 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021 ước tính đạt 264,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 196,8 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 39,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2%; chi trả nợ lãi 27,9 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4%.