Đến nay đã có khoảng 400.000 người dùng đã tiếp cận với dịch vụ hoàn toàn mới này. Theo các chuyên gia, tiền di động sẽ không đơn thuần chỉ cung cấp một công cụ thanh toán mới mà còn là đòn bẩy thúc đẩy cho các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, mạng viễn thông di động hiện đã phủ tới 99.8% lãnh thổ cũng như gần 100% người dùng trưởng thành nhưng tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng mới đạt gần 70% và gặp khó trong tiếp cận người dùng nông thôn. Do đó, tiền di động là giải pháp để nhanh chóng phổ cập thanh toán số.
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Chúng ta sẽ phát triển có một kênh mới về thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mà chúng ta đã có hệ thống mạng viễn thông trải rộng đến nhưng người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng. Với việc thí điểm này, chúng ta sẽ có thêm dịch vụ để người dân lựa chọn".
Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cam kết sẽ sớm phủ các điểm giao dịch chấp nhận Mobile Money tại 63 tỉnh thành.
Các chuyên gia đánh giá tiền di động sẽ là sự bổ sung hợp lý cho các dịch vụ thanh toán và thậm chí sẽ giúp các ngân hàng mở rộng thị phần của mình. Mobile Money phục vụ thanh toán giá trị nhỏ còn ngân hàng cung ứng dịch vụ tín dụng, tiền gửi và các giao dịch lớn hơn.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), cho biết: "Tôi nghĩ rằng ứng dụng Mobile Money cũng sẽ giúp người dân quen hơn với việc sử dụng công nghệ để thực hiện thanh toán và tiếp cận dần với dịch vụ tài chính ngân hàng. Bởi vì Mobile Money không thể cung cấp các các dịch vụ tiền gửi hay là cho vay, đây là cơ hội để ngân hàng có thể bắt tay với các nhà cung cấp Mobile Money".
Hiện các ngân hàng đã cho phép mở tài khoản thông qua eKYC và không cần tới quầy giao dịch. Do đó, khi đã thành thạo thanh toán với tiền di động, với các hình thức thanh toán số, người dân có thể chủ động mở thêm tài khoản ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu tài chính khác của mình.