Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1762 ngày 31/12/2023, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh Tiền Giang.
Theo quy hoạch tỉnh Tiền Giang, một trong những điểm nhấn quan trọng tỉnh Tiền Giang xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh là "một dải, 3 tâm và bốn hành lang kinh tế".
Cụ thể, ba tâm chính là: Trung tâm đô thị chính, gồm: TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo. Đây là trung tâm hành chính, kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị lịch sử, điều phối chế biến nông sản phục vụ cho tỉnh và vùng, trong nhóm đô thị vệ tinh cửa ngõ vùng TP.HCM; trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông trên toàn bộ vùng Gò Công Đông và cù lao Tân Phú Đông, sẽ tập trung phát triển đô thị biển, nghỉ dưỡng, du lịch, công nghệ số, với trung tâm là đô thị Gò Công Đông; vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước, do có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, phát triển đô thị thành hệ sinh thái đô thị - công nghiệp.
Cùng với đó, một dải ven sông Tiền được quy hoạch mới thành một trục đô thị ven sông, gồm nhiều điểm đô thị nhỏ, chủ yếu phát triển du lịch; tạo kết nối với các cù lao sông và giao thông đối ngoại để tăng sức hấp dẫn du khách.
Ngoài ra, bốn hành lang kinh tế phát triển theo các trục giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh, cụ thể: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hướng đến phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistics của tỉnh và vùng ĐBSCL.
Hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 50B (quy hoạch) nhằm hướng đến phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch và đô thị; và hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 50 sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như cảng, năng lượng, logistics, du lịch, đô thị và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng ĐBSCL, tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch.
Dựa trên định hướng phát triển "một dải, ba tâm, và bốn hành lang kinh tế, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đâu tư tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, để người dân Tiền Giang ngày càng ấm no, hạnh phúc, văn minh, hiện như mục tiêu bản quy hoạch đề ra, tỉnh Tiền Giang cần "3 đẩy mạnh".
Cụ thể, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở, Tiền Giang cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện và bao chùm. Bao gồm: Hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, xã hội...
Cái đẩy mạnh tiếp là phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo các sản phẩm ngành nông nghiệp; tạo ra chuỗi sản xuất, cung ứng mang tính khu vực, toàn cầu.
Cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân để ổn định và phát triển.
Bên cạnh "3 đẩy mạnh", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo tỉnh Tiền Giang thực hiện "1 trọng tâm" và "2 tăng cường".
Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận, về quy hoạch tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã chuẩn bị công phu kỷ lưỡng; tìm ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội vượt trội, lợi thế cạnh tranh...
Thủ tướng kỳ vọng, với bản quy hoạch này, tỉnh Tiền Giang sẽ là nơi đáng sống, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, văn minh hơn.
"Để làm được điều này, rất cần người dân cùng đồng lòng, ủng hộ chính quyền quy hoạch tỉnh Tiền Giang", Thủ tướng chia sẻ.
Trong chặng đường sắp tới, quy hoạch tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị...
Tiền Giang sẽ là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.