Kết quả trên là nỗ lực bền bỉ của Tiền Giang trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhiều năm. Đồng thời cho thấy tỉnh đã và đang hiện thực hóa cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp.
Cải cách thực chất
Một trong những điểm đáng chú ý trong PCI năm 2021 của Tiền Giang là nhiều chỉ số thành phần đã được cải thiện mạnh mẽ so với năm trước (so sánh năm 2020 với 2021) như: Tính minh bạch (5,73; 6,21), Chi phí không chính thức (6,56; 7,33), Tính năng động (5,82; 6,83), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,79; 6,95), Đào tạo lao động (5,49; 5,54), Thiết chế pháp lý (5,99; 6,48). Tuy nhiên, mức độ chuyển biến không đồng đều ở các chỉ số thành phần, một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm trước là: Gia nhập thị trường (8,23; 7,08), Tiếp cận đất đai (6,69; 6,36), Chi phí thời gian (7,57; 6,92), Cạnh tranh bình đẳng (6,11; 5,70). Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục nỗ lực không ngừng để duy trì những thành tựu cải cách, đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang: Dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra khó khăn lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng với sự chủ động, năng động và tích cực của bộ máy chính quyền, chương trình cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương luôn được tiến hành mạnh mẽ.
Kết quả trên cũng phần nào được phản chiếu qua bức tranh thu hút đầu tư của Tiền Giang thời gian gần đây. Theo Sở KJ&ĐT tỉnh Tiền Giang, tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ 01/01/2022 đến 03//5/2022 là 598 trong đó doanh nghiệp là 339, đơn vị trực thuộc là 259 với tổng vốn đăng ký 2.453,5 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, nỗ lực cải thiện thứ hạng PCI của Tiền Giang chưa đạt như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của các cấp chính quyền tại địa phương có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Một phần do thứ hạng những năm trước của Tiền Giang tương đối thấp, trong khi các tỉnh, thành khác trong khu vực cả nước cũng nỗ lực thay đổi. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên đại bàn tỉnh lớn nên “đòi hỏi” từ cộng động doanh nghiệp cũng “khắt khe” hơn. Tiền Giang cũng đang nổi lên là một trong những tỉnh thu hút FDI lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, với đà như hiện nay, hoàn toàn tin tưởng rằng trong các năm tiếp theo Chỉ số PCI của Tiền Giang sẽ được cải thiện một cách đáng kể hơn.
Mục tiêu cụ thể
Nhìn rộng hơn, PCI nói riêng, những điểm sáng kinh tế́ - xã hội trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Tiền Giang nói chung được khơi nguồn từ những chủ trương, chính sách được ban hành và những hành động mang tính kịp thời, hiệu quả của các cấp chính quyền tỉnh.
Chỉ số PCI của Tiền Giang chưa cao một phần cho thấy kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào các cấp chính quyền, một phần cho thấy dư địa cải cách còn rất lớn.
Cải thiện chỉ số PCI nói riêng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh tỉnh Tiền Giang. Để cụ thể hóa những định hướng lớn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó đề cập đến mục tiêu cải cách các chỉ số, cụ thể là: Phấn đấu đến năm 2025, các Chỉ số PAR Index, PAPI và PCI của tỉnh nằm trong nhóm 30 hàng đầu của cả nước; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong nỗ lực cải thiện PAR Index, PAPI và PCI hằng năm của tỉnh.
Để nâng cao thứ hạng các chỉ số này, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải thiện các chỉ số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Định kỳ, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp với các ngành khảo sát, điều tra, đánh giá các chỉ số, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cải thiện các chỉ số quan trọng này.
Mục tiêu tỉnh hướng tới là xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, minh bạch và hiện đại; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước; bộ máy cơ quan hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, dân chủ ở cơ sở trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp; Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.