Ông Hai Nhiên (Nguyễn Văn Nhiên, ấp Bình Hòa B, Tam Bình, Cai Lậy) - nông dân đang trồng 250 gốc sầu riêng, không tin vào mắt mình khi vườn sầu riêng hơn chục tuổi, đang xum xuê trái, sau hơn 1 tháng bị khô mặn tấn công thì một nửa số cây đã trụi lá, số khác đang có dấu hiệu chết héo.
“Thành củi rồi!”
Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân trồng sầu riêng, nếu cây gặp mặn, thiếu nước tưới rồi trụi lá là cầm chắc phải đốn đi trồng mới.
Ông Hai Nhiên cho biết, trước khi hạn mặn tấn công vườn sầu riêng, ông đã cho bơm nước vào các mương trong vườn để trữ tưới dần. Nhưng tưới được 2 lần thì các mương nước ngọt này nhiễm mặn do bị rò rỉ. Cả tháng nay, cứ 2 - 3 tuần ông mới tưới nước cho vườn sầu riêng một lần, mà cũng chỉ tưới cầm chừng bằng nước sinh hoạt.
Anh Huỳnh Văn Thắng bên cây sầu riêng hơn 20 năm tuổi bị trụi lá do gặp hạn mặn. Ảnh: Trần Đáng
“Giờ thì tui nghỉ tưới bằng nước này luôn rồi, vì bà con ở đây cũng đã thiếu nước sinh hoạt. Nếu cứ lấy nước sinh hoạt tưới thì thế nào cũng bị rầy la, thậm chí chính quyền sẽ cắt luôn nước sinh hoạt của gia đình” - ông Hai Nhiên bộc bạch.
Nóng ruột không có nước tưới vườn cây, ông kêu sà lan nước để mua. Giá đến 120.000 đồng/khối, nhưng cả tháng nay vẫn chưa tới lượt. “Tui định mua máy lọc giá cả trăm triệu đồng. Nhưng, vấn đề là máy ăn điện quá nhiều. Hơn nữa khi lọc xong xả nước mặn đi đâu khi vườn cây nằm xen giữa các vườn khác?”- ông Hai Nhiên than thở.
Theo ông Hai Nhiên, nhiều khả năng vườn sầu riêng của ông (mỗi năm cho 10 tấn trái) sau đợt hạn mặn sẽ thành củi hết. Một số cây bị ảnh hưởng từ đợt hạn mặn năm 2016 đến nay mới phục hồi thì lại bị hạn mặn tiếp. Ông chỉ cầu xin sau hạn mặn, vườn sầu riêng không bị chết, ông sẽ chăm lại cho dù mất 2 - 3 năm, còn hơn trồng mới phải 5 năm mới có trái.
Một cán bộ Hội Nông dân xã này cho biết, chưa thể thống kê diện tích sầu riêng thiệt hại vì xã đang tập trung chống hạn mặn.
Theo Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm, toàn xã có 1.600ha đất nông nghiệp, thì sầu riêng chiếm 1.500ha. Sau một thời gian dài địa phương và ngành chức năng yêu cầu người dân không dùng nước kinh tưới cây vì độ mặn cao, hầu hết các vườn cây ăn trái đều bị “khát”. Hiện, nhiều vườn sầu riêng đã có dấu hiệu héo, vàng lá.
Để cứu cây, nhiều hộ dân ở gần tuyến kinh lớn thuê sà lan chở nước ngọt, còn hộ ở xa tuyến kênh thì phải thuê xe ba gác máy chở nước ngọt về. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu khoảng 10 - 15 ngày nữa, nước ngọt không về được thì nhiều vườn sầu riêng, nhất là các diện tích nằm sâu bên trong sẽ chết.
Nông dân phải mua từng thùng nước ngọt với giá 100 nghìn đồng để tưới sầu riêng. Ảnh: T.Đ
Theo UBND xã Ngũ Hiệp, trong tổng số khoảng 1.500ha sầu riêng của xã, mới chỉ có khoảng 100ha sầu riêng được trữ nước ngọt. Trước tình hình trên, địa phương đã phát động người dân mua túi nylon về trải trong vườn và mua nước ngọt về dự trữ để tưới cho cây. |
Giáp xã Tam Bình là xã cù lao Ngũ Hiệp (Cai Lậy) - một địa phương trồng sầu riêng nức tiếng thơm ngon với khoảng 1.600ha, bà con cũng đang nháo nhào tìm cách cứu vườn sầu riêng “khát” nước.
Ông Sáu Hùng (Nguyễn Văn Hùng) vừa hì hục đào ao trữ nước ngọt vừa than thở: “Sau cả tháng thiếu nước, một số cây sầu riêng đã bị rụng lá. 2 cái ao đang đào này chỉ chứa đủ 16 khối nước ngọt mua từ ghe kinh doanh nước với giá 90.000 đồng/khối. Tuy nhiên cũng chỉ có thể tưới “chữa cháy”, còn sau đó… chờ mưa. Nửa tháng nữa mà không mưa thì thiệt hại khó đếm xuể”.
Sầu riêng thành… sầu chung
Theo Phòng NNPTNT huyện Cai Lậy, mấy ngày qua, nước mặn đang lấn sâu vào nội đồng, mức độ mặn ngày càng cao. Trước tình hình mặn xâm nhập sâu, diễn biến phức tạp và kéo dài, diện tích sầu riêng ở 4 xã Tam Bình, Long Trung, Ngũ Hiệp và Tân Phong sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước mặn trên 4.544ha.
Trong đó, diện tích sầu riêng đang mang trái thiếu nước tưới trầm trọng trên 1.100ha. Cụ thể, xã Tam Bình hơn 387ha, xã Long Trung 620ha, xã Ngũ Hiệp 45ha, xã Tân Phong gần 49ha.
Để giảm thiệt hại cho nông dân, huyện Cai Lậy cũng đã và đang triển khai nạo vét nhiều tuyến kinh, đắp nhiều đập nhằm ngăn mặn, trữ ngọt cho nội đồng. Huyện vận động nhân dân nạo vét kinh, mương để trữ nước ngọt, trấn an người dân; quan trắc mặn thường xuyên để kịp thời thông báo cho nhân dân biết…
Theo Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Văn Mẫn, toàn tỉnh có 79.138ha cây ăn trái, trong đó, hơn 13.000 sầu riêng. Vùng cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn thuộc phía Nam Quốc lộ 1A là 36.121ha; trong đó, diện tích cây ăn trái mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ là 24.731ha, bao gồm: Sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long…
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức buổi tọa đàm “Ứng phó với hạn mặn trên cây ăn quả” tại Tiền Giang. Để giải cứu vườn sầu riêng trước áp lực hạn mặn càng khốc liệt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Kim Văn Tiêu cho rằng, trước mắt, bà con nông dân trồng sầu riêng nên có kế hoạch trữ nước ngọt trong vườn để tưới cho cây. Đồng thời, nên ủ rơm hay vật dụng khác tránh cho cây mất nước.
Trong khi đó, theo TS Võ Hữu Thoại - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, để cứu vườn sầu riêng bị nhiễm mặn, khô hạn, sau đợt khô hạn này bà con nông dân cần tưới vườn bằng nước ngọt ngay, càng nhiều càng tốt để xả mặn cho đất. Đồng thời, cần thúc phân bón lá, phục hồi bộ rễ đang hư hại, tuyệt đối không dùng phân hóa học…