Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ. Đây là một trong những nội dung nhằm thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới được chính phủ ban hành.
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực đầu tư công sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt sẽ tạo ra hệ thống hạ tầng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước.
Sau hơn 1 năm thi công, nhiều gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cống tại đầu 6 kênh, rạch ra sông Tiền đã cam kết rút ngắn tiến độ theo hợp đồng. Các đơn vị cho biết, do tập trung ngay từ công tác chuẩn bị đầu tư nên sẽ chủ động được thời gian thực hiện dự án.
Rút ngắn thời gian thi công, nhiều dự án hạ tầng thiết yếu đã được đưa vào khai thác. Ngay trong những ngày đầu năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công đã chính thức hoạt động. Với quy mô 1.000 giường, bệnh viện sẽ góp phần nâng cao công tác khám chưa bệnh cho nhân dân trong tỉnh cũng như khu vực.
Với tổng số vốn 5.200 tỷ đồng được giao năm nay, trong 2 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân được hơn 23%, cao gấp 3 lần so với bình quân chung cả nước. Đại diện tỉnh cũng cam kết sẽ giải ngân 100% trong năm nay và đảm bảo 2 tiêu chí: tiến độ và chất lượng.
Trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước mới đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khoảng 7% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện vẫn còn 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công năm 2023. Đây sẽ là áp lực cho những tháng cuối năm và ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phục hồi kinh tế cũng nhưng thời điểm bứt tốc tăng trưởng cho kinh tế đất nước.