Theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2019, tổng phương tiện thanh toán đạt 9,86 triệu tỷ đồng, tăng 7,04% so với đầu năm. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động từ Dân cư và Tổ chức kinh tế (TCKT) đạt 8,248 triệu tỷ đồng, huy động từ phát hành giấy tờ có giá đạt 1,612 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng cuối tháng 7 chỉ đạt hơn 4,71 triệu tỷ đồng, thấp hơn so với mức hơn 4,72 triệu tỷ hồi cuối tháng 6. Đây là điều khá hiếm khi xảy ra vì khác với tiền gửi của các TCKT, tiền gửi của dân cư thường có sự tăng trưởng khá liên tục và ổn định. Tuy vậy, sự sụt giảm khá trong tháng 7 cũng khá nhẹ (giảm 13.842 tỷ, tương đương giảm 1,4%), có thể chỉ mang yếu tố mùa vụ nên chưa phải là một diễn biến đáng lo ngại. Hơn nữa, trong tháng 7 năm 2018 cũng có sự sụt giảm tương tự: giảm hơn 43.000 tỷ, tương đương giảm 1%.
Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp vào hệ thống tiếp tục tăng lên 3,5 triệu tỷ đồng. So với hồi đầu năm, tiền gửi của dân cư đã tăng 7,64%, tiền gửi của doanh nghiệp tăng 5,89%.
Theo thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo quý III/2019 của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58%, huy động vốn tăng 9,03% so với cuối năm 2018.