Tại talkshow "F Talk số #1: Điểm đến của dòng tiền những tháng cuối năm", Trưởng phòng Phân tích khách hàng doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán Pinetree, chuyên gia Nguyễn Duy Thành cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều kênh đầu tư phổ thông có sự suy giảm. Trong đó, ở thị trường chứng khoán, VnIndex đã giảm khoảng 16%; trong khi thị trường bất động sản cũng ghi nhận thanh khoản suy yếu. Kênh vàng sau cú nhảy vọt lên trên 70 triệu đồng/lượng thì lại diễn biến lình xình kéo dài trong 5-6 tháng gần đây.
"Tựu chung lại, kênh ổn định và hiệu quả nhất lại là kênh tiền gửi ngân hàng", ông Thành đánh giá.
Theo vị chuyên gia, có một hiện tượng không thường thấy, khác với 2 năm trước, năm nay động lực chính cho tăng trưởng huy động những tháng đầu lại là từ tăng trưởng tiền gửi dân cư (6,02%), trong khi tăng trưởng tiền gửi từ doanh nghiệp chỉ có 3%.
Nguyên nhân là những kênh đầu tư truyền thống đã không còn hấp dẫn như trước. Điểm lại năm 2021, các kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản đều bùng nổ. "Theo thống kê của chúng tôi, ở giai đoạn đó, xác suất để có lợi nhuận lớn hơn 20% trên thị trường chứng khoán lên đến 83%. Và ngay cả thị trường bất động sản cũng bùng nổ. Nhưng bước sang năm 2022, điều đó không còn xảy ra. Đặc biệt, ngay cả kênh trái phiếu, sau vụ Tân Hoàng Minh thì niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường này cũng bị bào mòn mạnh", ông Thành cho biết. Vì vậy, nhà đầu tư đã tìm tới các hướng khác. Và trong lúc đang đi tìm thì việc gửi tiền vào ngân hàng là một lựa chọn "hay".
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi đã hấp dẫn hơn. Năm nay, tăng trưởng tín dụng rất nhanh, nhanh nhất trong 3 năm qua. Do đó, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ sẽ có xu hướng huy động nhiều hơn, và đương nhiên phải tăng lãi suất lên. Hiện nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất lên đến 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này được thấy gần nhất là từ tháng 4-5/2020.
Dự báo về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, vị chuyên gia của Chứng khoán Pinetree cho rằng, lãi suất cơ bản nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng, khoảng 1%.
Thời gian qua, nhà điều hành đã rất nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá của chúng ta tăng thấp nhất so với các nước trong khu vực. Lạm phát của chúng ta cũng thấp hơn các nền kinh tế lớn Mỹ, EU,….
Tuy nhiên làn sóng tăng lãi suất trên thế giới vẫn đang tiếp tục, chỉ ngoại trừ Trung Quốc. Điều này sẽ tác động lên tỷ giá và lạm phát do độ mở nền kinh tế của chúng ta khá lớn, nhập khẩu nhiều xăng, dầu, hóa chất, thậm chí là thức ăn chăn nuôi. Tỷ giá tăng thì áp lực lạm phát sẽ rất lớn.
Ông Thành cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bán USD để ổn định tỷ giá cũng có giới hạn. Bởi theo IMF, duy trì dự trữ ngoại hối 12-14 tuần nhập khẩu mới là mức đủ. Kế hoạch nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng muốn tăng dự trữ ngoại hối lên để duy trì 16 tuần nhập khẩu. Do đó, phương án bán USD từ dự trữ ngoại hối không nên được duy trì trong lâu dài.
Vì vậy, việc tăng lãi suất cũng là phương án tốt, đặc biệt là khi nhà điều hành đã cố gắng duy trì được điều kiện tỷ giá ổn định trong một thời gian để cho các doanh nghiệp chuẩn bị.
Ngoài ra, xét ở góc độ khác, tăng lãi suất cũng không hẳn là xấu vì xét đến hiện tại , FDI là nguồn vốn quan trọng của Việt Nam. FDI đến tháng 8 đang thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính một phần do nhà đầu tư FDI, khi đưa ra quyết định giải ngân họ cũng quan sát sự ổn định của tỷ giá để cân nhắc. Khi tỷ giá của Việt Nam được ổn định thì tốc độ giải ngân của họ sẽ nhanh hơn. "Việc tăng lãi suất thời gian tới là việc làm cần thiết cho bối cảnh hiện tại.