Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 5, tiền gửi của các tổ chức kinh tế gửi vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt 5,806 triệu tỉ đồng, tăng 2,86% (tương ứng với 161.615 tỉ đồng) so với cuối năm ngoái.
Đáng chú ý là tiền gửi từ tổ chức kinh tế tăng trở lại sau khi giảm nhẹ vào tháng 4. So với tháng 4, tiền gửi từ khu vực kinh tế tăng 11.589 tỉ đồng.
Còn tiền gửi từ dân cư trong tháng 5 tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 5,568 triệu tỉ đồng, tăng 5,07%, tương ứng với 268.480 tỉ đồng so với cuối năm 2021. Còn so với tháng 4, tiền gửi từ dân cư tăng thêm 36.889 tỉ đồng.
Các chuyên gia tài chính dự báo từ nay đến đầu năm sau, tiền của dân cư gửi vào tổ chức tín dụng sẽ vẫn giữ xu hướng tăng do lãi suất huy động đang nhích lên.
Bởi các ngân hàng, nhất là các nhà băng có quy mô vừa, phải tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vào những tháng cuối năm. Thêm nữa, sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh đang khôi phục mạnh mẽ nên nhu cầu vốn ngày càng cao hơn.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa và nhỏ tăng đáng kể 0,5 - 1% ở một số kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Như từ 1-8, SCB, SHB, CBBank… có lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng là 7,42 - 7,5%/năm.
Còn VPBank, ACB, Techcombank,… lãi suất kỳ hạn 12 tháng quanh mốc 6,2 - 6,6%/năm, tùy theo món tiền gửi.
Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, lãi suất tiền gửi gần như giữ nguyên từ năm ngoái. Mức cao nhất kỳ hạn 13 tháng trở lên là 5,5 - 5,6%/năm.