So với mức lãi suất tiết kiệm truyền thống cao nhất niêm yết tại khối ngân hàng tư nhân hiện nay (8,5%/năm), lãi suất cao nhất được Big Four ngân hàng niêm yết thấp hơn 1,7 điểm phần trăm.
Nếu so cùng kỳ hạn, mức chênh lệch lên tới 2,3 điểm phần trăm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 7 tháng. Tương ứng, số tiền lãi tiết kiệm khách hàng nhận về nếu gửi tại kỳ hạn này sẽ có sự chênh lệch tối đa lên tới trên 43%.
Thực tế những ngày qua cho thấy, một số ngân hàng đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động với hình thức tiết kiết thông thường.
Lãi suất cao nhất lên tới 8,5%/năm
Đơn cử như Techcombank, nhà băng này điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm kể từ ngày 19/2 vừa qua với mức giảm từ 0,05 - 0,2 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 5 tháng chỉ còn 4,2%/năm, giảm từ mức 4,25% so với biểu lãi suất niêm yết vào ngày trước đó, kỳ hạn 6 tháng là 6,1% và kỳ hạn 1 năm là 6,3%/năm giảm xuống 6,2%/năm.
Với biểu lãi suất này, mức lãi suất cao nhất của Techcombank là 6,7% được ghi nhận với nhóm khác hàng ưu tiên, kỳ hạn gửi 12 tháng.
Eximbank niêm yết biểu lãi suất mới có điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng, (hiện ở mức 8%/năm); ở các kỳ hạn 12 và 18 tháng lần lượt điều chỉnh giảm 0,1-0,2%/năm so với biểu lãi suất được áp dụng trước đó.
Mức lãi suất cao nhất tại Eximbank là 8,4%/năm với kỳ hạn gửi 13 tháng và 24 tháng. Kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất tiết kiệm được nhà băng này niêm yết ở 5,6%/năm.
VPBank cũng vừa điều chỉnh giảm tới 0,1 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên.
ACB cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng, niêm yết lần lượt ở mức 6,3-6,6%/năm, 6,4-6,7%/năm và 6,8-7,1%/năm, giảm 0,2% so với biểu lãi suất mà ngân hàng này niêm yết tháng 1/2020.
Trong tháng 2/2020, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại SHB dao động từ 1%/năm đến 7,5%/năm.Trong đó, mức lãi suất cao nhất 7,5%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân, tại các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên với số tiền gửi trên 2 tỉ đồng.
Biểu lãi suất cập nhật sáng 22/2 tại Vietcapital bank |
Là một trong những ngân hàng luôn dẫn đầu hệ thống về mức lãi suất tiết kiệm, mức lãi suất cao nhất tại Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital bank) của bà Nguyễn Thanh Phượng đang được niêm yết ở mức 8,5%/năm với khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng – đây cũng là mức lãi suất cao nhất hệ thống tại thời điểm hiện tại. Nếu so với biểu lãi suất Vietcapital bank niêm yết hồi đầu tháng này, lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng đã tăng thêm 0,3 điểm phần trăm.
Ngược lại, gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng, lãi suất giao động từ 4,85%/năm – 4,9%/năm – không đổi so với đầu tháng 2. Kỳ hạn 6 tháng (7,3%/năm); 7 tháng – 12 tháng lãi suất huy động giao động từ 7,4%/năm cho tới 7,9%/năm – giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với biểu lãi suất của ngân hàng này trong tháng 1.
Tiền lãi tiết kiệm “chênh” tới 43% giữa khối ngân hàng tư nhân và “ông lớn” quốc doanh
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV), lãi suất tiền gửi tiết kiệm được giữ nguyên ở tất cả kỳ hạn so với tháng 1 và dao động từ 0,1 đến 6,8%/năm.
So với mức lãi suất tiết kiệm truyền thống cao nhất niêm yết tại khối ngân hàng tư nhân hiện nay, khoảng cách chênh lệch giữa các mức lãi suất cao nhất giữa 2 nhóm ngân hàng này đã được kéo rộng, lên tới 1,7 điểm phần trăm.
Nếu so cùng kỳ hạn, mức chênh lệch lên tới 2,3 điểm phần trăm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 7 tháng, trong đó Vietcapital bank hiện đang niêm yết mức lãi suất lên tới 7,6%/năm với kỳ hạn này và nhóm ngân hàng quốc doanh niêm yết 5,3%/năm. Tương ứng, số tiền lãi tiết kiệm khách hàng nhận về nếu gửi tại kỳ hạn này sẽ có sự chênh lệch tối đa lên tới trên 43%.
Mặc dù vậy, trong năm 2019, 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh này đều là 4 ngân hàng thuộc Top đầu về tiền gửi khách hàng với mức tăng trưởng giao đông từ 8,1% cho tới 22,1% so với năm 2018. Tổng số tiền gửi của khách hàng trong năm 2019 tại 24 ngân hàng thương mại lên tới 7.018.266 tỷ đồng, trong đó Big Four “hút” tới 61% lượng tiền gửi.
Ngoài 4 "ông lớn" còn có những gương mặt ngân hàng thương mại cổ phần khác như Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank, VPBank. Những ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi thấp như Saigonbank (6,7%); Ngân hàng Bản Việt (5,1%); Bac A Bank (5,0%).
(Theo Dân Việt)