Dịch COVID-19 bùng phát dữ dội quá mức dự báo đã làm đảo lộn các dự báo về tăng trưởng kinh tế 2021. Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra.
Vấn đề đặt ra lúc này là ưu tiên chống dịch nhưng vẫn không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế ở những địa bàn, lĩnh vực đảm bảo an toàn, kịp thời điều chỉnh các cân đối lớn để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và chuẩn bị các điều kiện để kinh tế bật dậy sau dịch.
Các dự báo đều giảm mức tăng trưởng
Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch COVID-19 và kèm theo đó là các biện pháp nghiêm ngặt nhằm giãn cách xã hội, nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ không đạt chỉ tiêu đề ra (6-6,5%) và không loại trừ khả năng chỉ đạt mức tương đương năm 2020 (2,9%).
Đầu tháng 7, trước khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 5,8% so với mức 6,7% được ngân hàng này đưa ra hồi tháng 4.
Tương tự, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng được điều chỉnh giảm dần qua phân tích dự báo của các tổ chức khác.
Theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cuối tháng 7, nhiều khả năng xảy ra nhất là tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1% với điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối quý 3/2021. Với kịch bản cơ sở này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ giảm từ 1-1,5% so với dự báo được VEPR đưa ra vào quý 1 năm nay, .
Thận trọng hơn, mới đây, Công ty cổ phần quản lý quỹ Dragon Capital cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống mức 3,7%, trong khi Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo GDP Việt Nam xuống còn 4%.
Bình luận về các dự đoán nói trên, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ tùy thuộc vào tiến độ đẩy lùi dịch COVID-19. Do bức tranh kinh tế Quý III là rất ảm đạm vì phải ưu tiên chống dịch nên kỳ vọng được đặt vào Quý IV.
"Quý III sẽ tăng trưởng rất thấp, thậm chí không loại trừ tăng trưởng âm, nhưng với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đã đạt 5,6%, nên nếu kiểm soát được dịch vào cuối tháng 9, tăng trưởng GDP cả năm vẫn có thể đạt mức 4,5-5%", ông Cao Viết Sinh dự báo.
Cùng chia sẻ nhận định nói trên, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, sự suy giảm nghiêm trọng của ngành dịch vụ là yếu tố tác động lớn nhất tới tăng trưởng kinh tế. Theo ông, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối Quý III ở miền Bắc, miền Trung và vào cuối tháng 10 tại các tỉnh phía Nam thì tốc độ tăng trưởng sẽ đạt mức khoảng 4-4,5%; trưởng hợp dịch được kiểm soát muộn hơn, không loại trừ khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng tương đương năm trước.
TS. Võ Trí Thành cho biết, không chỉ đối với nước ta, mức tăng trưởng của các nước Đông Nam Á cũng được điều chỉnh giảm mạnh.
Văn phòng Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) ban đầu dự báo kinh tế nước này sẽ phục hồi trong quý I/2021, ước tính đạt tốc độ tăng trưởng từ 1.5-2,5 % trong năm 2021. Tuy nhiên, NESDC ngày 16/8 đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2021 xuống mức dao động trong khoảng từ 0,7-1,2%.
Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Solutions ngày 13/8 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Malaysia từ 4,9% xuống 0%, trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 ở nước này vẫn ở mức cao và dự báo Malaysia tiếp tục phong tỏa trong thời gian còn lại của năm 2021. Trước đó, dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Malaysia đạt 4,9% được đưa ra trên cơ sở tính toán Malaysia chỉ phong tỏa toàn quốc trong nửa đầu năm 2021.
Các động lực tăng trưởng đều gặp khó
Quyết định về cách ly xã hội của TP.HCM và của các tỉnh phía Nam hay trước đó là Bắc Ninh, Bắc Giang, các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhất trên cả nước đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo – một trong những thế mạnh của Việt Nam nhiều năm qua.
Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuất.
Cụ thể, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.
Chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.
Các quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giải ngân khu vực FDI cũng đã suy giảm một cách rõ rệt. Mặc dù số liệu lũy kế 7 tháng khu vực này giải ngân được 10,5 tỷ USD, tuy nhiên vốn FDI thực hiện trong tháng 7/2021 giảm 14,3% so với cùng kì năm ngoái và giảm 39,7% so với tháng liền trước.
Đặc biệt, với đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2021, các bộ, ngành địa phương đã phân bổ gần hết số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 đã được giao với tổng số vốn đã phân bổ là 465.559,03 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 31/7 mới giải ngân được 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn gần 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cũng rất thấp, đạt 7,52%, thấp hơn cùng kỳ gần 10%.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, thì đầu tư công vẫn được các chuyên gia kinh tế cho là động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế, không chỉ trước mắt, mà trong cả giai đoạn 2021-2025 khi nhiều “đầu kéo tăng trưởng” khác đang suy yếu. Theo Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính giai đoạn này nếu giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm 0,058%.
Điều chỉnh các cân đối vĩ mô
Theo các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế kéo theo nhiều hệ luỵ, đòi hỏi phải điều chỉnh các cân đối lớn để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước hết, tăng trưởng thấp sẽ tác động tới nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng lên do đòi hỏi tăng chi cho phòng chống dịch, nếu thu ngân sách không đạt mức kế hoạch sẽ dẫn tới bội chi ngân sách.
Thứ hai, tăng trưởng thấp sẽ dẫn đến nguy cơ vượt trần nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài vốn dĩ đã nằm gần vạch báo đỏ. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới khả năng gia tăng nguồn vốn đầu tư công – yếu tố đang được kỳ vọng là đầu kéo quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, sự suy giảm của các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không quốc tế và một số ngành sản xuất xuất khẩu sẽ tác động tới nguồn thu ngoại tệ và cán cân thương mại.
Thứ tư, tăng trưởng thấp sẽ tác động đến công ăn, việc làm và thu nhập của người lao động, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội...
Những hệ lụy đó đang đòi hỏi phải tính toán điều chỉnh các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối ngân sách, tiền tệ - tín dụng, lao động – tiền lương để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô phải là ưu tiên cao nhất, kèm theo đó là chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp, nhất là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để kinh tế bứt phá, bật dậy sau đại dịch.