Chiều 16-5, tại hội nghị tập huấn nghiệm vụ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) do BHXH Việt Nam tổ chức tại Bình Định, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã chỉ ra mâu thuẫn trong việc trả lương cho người lao động ở 2 khu vực công-tư hiện nay.
Ông Lợi cho biết tiền lương của khu vực hành chính, sự nghiệp có mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khu vực sản xuất-kinh doanh. Tại khu vực tư đang được tính với lương tối thiểu vùng từ 2,7 triệu đến 3,7 triệu đồng/tháng. "Chính sách tiền lương hiện hành còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức và người lao động. Thực tế bất cập này là một trong các nguyên nhân làm giảm động lực làm việc và thu hút nhân lực về lâu dài trong khu vực công. Trong khi đó, khu vực công có vai trò xây dựng và hình thành các chính sách cho cả hệ thống. Không thể để diễn ra tình trạng bất hợp lý như hiện nay"- ông Lợi nói.
Nói về những điểm mới của Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7 Khoá XII vừa qua, ông Lợi cho biết định hướng trong tương lai, tiền lương tối thiểu của khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực tư. Đó là mức thấp nhất của tiền lương khu vực công phải bằng tiền lương tối thiểu của vùng 1, sau đó từng bước vươn tới bằng bình quân của 4 vùng lương.
Tiền lương doanh nghiệp trả cho người lao động không được thấp hơn tiền lương tối thiểu theo quy định của 4 vùng. Tiền lương tối thiểu được sửa đổi là tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Ông Bùi Sỹ Lợi chỉ ra sự chênh lệch tiền lương giữa khối hành chính và doanh nghiệp
Trong khối doanh nghiệp, tiền lương phải gắn với năng suất lao động, có nghĩa là người lao động muốn có lương cao thì phải tăng năng suất lao động. Điều này sẽ hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám".
Với khu vực hành chính sự nghiệp sẽ có 2 bảng lương. Một bảng lương được tính theo chức vụ, vị trí việc làm chứ không theo thâm niên như hiện nay. Hơn nữa, muốn có nguồn lực bền vững cho cải cách tiền lương, chúng ta cần thực hiện tốt việc đổi mới cải cách sự nghiệp công lập và cải cách bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế…
Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng chính sách tiền lương hiện hành còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức và người lao động. Do đó việc thay đổi chính sách tiền lương phải bảo đảm thu hẹp chênh lệch giữa khối hành chính và doanh nghiệp.
Hiện nay, hệ thống thang, bảng lương khối hành chính còn nặng về bằng cấp. Hệ số giãn cách giữa các bậc lương thấp (sau 3 năm nâng hệ số lương thêm 0,35, tương ứng khoảng hơn 400.000 đồng), làm giảm hiệu quả của hệ số lương, tăng tính bình quân trong trả lương.