Chị Ng.T.Tuyền, một tiểu thương kinh doanh hơn 10 năm nay tại chợ Hòa Bình, Quận 5, TP.HCM có nhu cầu vay 15 triệu đồng để mua thêm hàng bán dịp Tết. Chị tìm đến các ngân hàng trên địa bàn để xin vay vốn nhưng không nơi nào chấp nhận cho vay với lý do chị Tuyền đã bị nợ xấu từ năm 2018 (theo quy định khách hàng bị nợ xấu dù chỉ 1 đồng cũng không được vay). Không vay được ngân hàng, chị không biết tìm vốn ở đâu trong khi đang rất cần tiền để kinh doanh mùa Tết, mong muốn kiếm được chút tiền lời sau thời gian dài phải nghỉ bán vì đợt giãn cách vừa qua.
Trong khi chưa biết làm thế nào thì chị nghe được một nhóm người trong chợ giới thiệu "dịch vụ xóa nợ xấu", chỉ mất ít tiền phí là có thể che nợ xấu, thoải mái tiếp tục vay vốn. Họ cho biết, chị chỉ phải tốn 5 triệu đồng để "che nợ xấu" trên hệ thống CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam – NHNN Việt Nam).
Vì cần tiền kinh doanh, chị Tuyền bấm bụng đưa ngay 5 triệu cho bên cung cấp dịch vụ và được hứa trong 2 ngày sẽ che nợ xấu xong. Thế nhưng 03 ngày sau, chị Tuyền vẫn không nhận được bất cứ hồi âm nào, điện thoại cũng không liên lạc được, và lúc này chị đã hiểu số tiền chị đưa đã biến mất. Chị đau khổ hơn khi 5 triệu đồng đó vừa mượn được người bạn cùng quê để gom góp mua hàng về bán dịp tết này.
Tương tự trường hợp chị Tuyền tại Quận 5 thì vụ việc khác lại xảy ra tại chợ Bà Hom, Quận 6, TP.HCM. Chị N.T.Hồng, một tiểu thương bán bánh kẹo, hoa quả biết bản thân mình bị nợ xấu nhưng cũng rất cần vốn dịp Tết để kinh doanh. Chị tìm hiểu trên các trang mạng thì vô tình lướt thấy tin quảng cáo xóa được nợ xấu trong 03 ngày, tiền phí là 10 triệu đồng. Sau khi chị Hồng liên hệ theo thông tin trên thì được một người tuyên bố chắc chắn rằng sau 03 ngày, nợ xấu CIC của chị sẽ được xóa và chị có thể đi vay tiền bất cứ đâu. Nhưng ai ngờ rằng số tiền 10 triệu đồng đó đã không cánh mà bay khi đến ngày thứ 03 chị liên hệ theo số điện thoại, website đều không được.
Những năm làm nhân viên ngân hàng, tôi thường xuyên chứng kiến những khách hàng của mình bị lừa đảo, mất nhiều tiền chỉ mong mỏi xóa được nợ xấu trong thời gian ngắn. Những đối tượng lừa đảo này thường yêu cầu phải chuyển tiền trước qua số tài khoản lạ hoặc nhận tiền mặt trực tiếp rồi biến mất.
Bởi vậy, người có nợ xấu ngân hàng tuyệt đối không nên tin vào những lời chào mời, giới thiệu các dịch vụ che nợ, xóa nợ xấu như có người thân làm trong hệ thống CIC, những quảng cáo trên website hay nhóm người lạ mặt từ nơi khác đến để quảng bá dịch vụ.
Khách hàng cũng phải hiểu rõ và đúng rằng, tất cả thông tin tín dụng liên quan đến một khách hàng sẽ được lưu trữ theo thời gian, không một đối tượng nào hay cơ quan nào có thể xóa đi được bởi lẽ đó là "lịch sử tín dụng", đã là lịch sử thì không thể nào "che" hay "xóa".
Nếu muốn không phát sinh nợ xấu trên hệ thống CIC thì chỉ có một cách duy nhất là phải liên hệ với tổ chức tín dụng để trả hết nợ gốc và lãi. Kể từ thời điểm trả hết khoản nợ thì đối với nợ Nhóm 2 – sau 12 tháng sẽ không còn thể hiện trên hệ thống CIC, đối với nợ Nhóm 3,4,5 – sau 05 năm sẽ không còn thể hiện trên hệ thống CIC. Sau thời gian này, khách hàng có thể tiếp tục vay vốn trở lại.
Trên thực tế, CIC cũng từng đưa ra nhiều cảnh báo người dân cần thận trọng với những dịch vụ xóa nợ xấu tràn lan trên mạng. Lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được lưu trên hệ thống trong vòng 5 năm, nên những đơn vị quảng bá có thể xóa nợ xấu trên CIC là hoàn toàn không đúng và bịa đặt. CIC chỉ có thể sửa thông tin tín dụng của khách hàng trong trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin sai sót kỹ thuật do ngân hàng gây ra như nhầm ngày trả nợ, chuyển nhầm nhóm nợ của khách hàng từ nợ chú ý sang thành nợ xấu… Công văn đề nghị chỉnh sửa thông tin này gửi cho CIC phải do tổng giám đốc của ngân hàng ký. Hơn nữa, dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng chỉ được CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng, hoặc chính khách hàng đó, chứ CIC không cung cấp cho một đơn vị khác hoặc một cá nhân khác.