Ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều cửa hàng và nhà hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng các dịch vụ trên smartphone như Alipay. Việc này khiến nhiều người lớn tuổi, những du khách đến từ nước ngoài và người dân sống tại các khu vực nông thôn cảm thấy rất lạ lẫm, họ không biết làm cách nào để sử dụng những hệ thống thanh toán này và gặp rất nhiều vấn đề khi thanh toán bằng thẻ hay tiền mặt.
Một xã hội không sử dụng tiền mặt có khá nhiều lợi ích, trong đó bao gồm chi phí giao dịch thấp hơn. Tuy nhiên, tình trạng này cũng tạo ra sự phân biệt giữa những người có thể sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt và những người không thể thực hiện.
Nhìn vào trường hợp của Hema, một chuỗi siêu thị chuyên bán thực phẩm tươi sống. Các cửa hàng của chuỗi này được mở ra bởi "gã khổng lồ" tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến là Alibaba, họ quảng cáo những cửa hàng này là trải nghiệm mới kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm trực tiếp. Khách hàng có thể mua thực phẩm tươi tại các cửa hàng hoặc giao hàng về tận nhà.
Nhưng lưu ý ở đây là, các khách hàng của Hema chỉ có thể thanh toán các mặt hàng bằng cách sử dụng ứng dụng Alipay của Alibaba, qua smartphone hoặc những quầy tự thanh toán tại cửa hàng. Việc này giúp tiết kiệm tiền khi không phải tuyển dụng vị trí thu ngân. Tuy vậy, sau khi có khiếu nại về các việc các nhà bán lẻ từ chối từ chối thanh toán bằng tiền mặt, chính quyền đã phải can thiệp và Hema phải bố trí nhân viên để thu tiền của khách hàng, theo hãng tin Economic Daily của Trung Quốc đưa tin.
Ở Trung Quốc, việc mua hàng qua smartphone và mã QR là điều phổ biến. Hai dịch vụ thanh toán được sử dụng rộng rãi nhất là Alipay và WeChat Pay, vận hành bởi Tencent. Theo một nghiên cứu gần đây, có đến 98% người sử dụng smartphone ở các khu vực thành thị sử dụng thiết bị cầm tay để thực hiện thanh toán.
Tần suất sử dụng hình thức thanh toán này ngày càng tăng khiến một số cửa hàng phải ngừng hoàn toàn việc chấp nhận tiền mặt, một phần để tránh rủi ro đối với tình trạng sử dụng tiền giả tràn lan ở Trung Quốc. Ngoài ra, cách thức này cũng tránh được những rắc rối của việc lưu trữ hoặc gửi tiền mặt.
Tuy nhiên, việc chuyển sang hình thức thanh toán bằng điện tử hoàn toàn đã nhận được rất nhiều chỉ trích từ một số người vẫn chuộng thanh toán bằng tiền mặt hoặc những người không có phương tiện thanh toán nào khác. Vào năm 2017, Trung Quốc ước tính có khoảng 772 triệu người sử dụng internet, tương đương với 56% dân số. Nhưng ở các vùng nông thôn, vẫn có rất nhiều người không được tiếp cận với internet, chưa nói đến việc sử dụng smartphone.
Một số người lớn tuổi cũng có sở hữu những thiết bị cầm tay cần thiết cho hình thức thanh toán này nhưng lại gặp khó khăn khi sử dụng Alipay hay những ứng dụng tương tự. Các nhà bán lẻ từ chối nhận tiền mặt đã phải đối mặt với nhiều lời phàn nàn rằng họ đang phân biệt đối xử với những người không hiểu nhiều về công nghệ.
Một người phụ nữ mua hàng bằng cách quét mã QR tại một khu chợ ngoài trời ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc
Ngày 12 tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố xử lý nghiêm đối với các nhà bán lẻ không chấp nhận tiền mặt. Đã có 602 công ty vi phạm trong khoảng thời gian 5 tháng. Sau thông báo này, Hema đã phải gấp rút sắp xếp cho vị trí thu ngân.
Tuy nhiên, trong tình trạng các giao dịch tiền mặt ngày càng trở nên khan hiếm, rất nhiều nhà bán lẻ Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thay đổi. Một phóng viên của Nikkei đã không còn sự lựa chọn nào khác và phải thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một nhà hàng ở Hàng Châu, Trung Quốc bởi nhà hàng này từ chối không nhận tiền mặt. Thậm chí có nhà hàng còn không chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Có thể thấy, việc sử dụng thẻ tín dụng cũng đã không còn phổ biến ở Trung Quốc khi smartphone trở thành phương thức thanh toán chính.
Đối với những du khách đến với Trung Quốc trong thời gian ngắn, thực hiện thanh toán bằng điện thoại di động là điều khó khăn, bởi sử dụng Alipay và các ứng dụng thanh toán khác yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng tại quốc gia này. Ngoài ra, họ còn cần phải có số điện thoại di động tại đây để sử dụng dịch vụ nhắn tin. Du khách còn được yêu cầu cung cấp chi tiết về thông tin cá nhân, bao gồm số hộ chiếu, để tăng hạn mức tín dụng lên 1000 NDT (145 USD).
Nếu hệ thống thanh toán bằng điện thoại di động phát huy tối đa tiềm năng, thì nó phải trở nên bao quát hơn để người nước ngoài không còn gặp khó khăn khi sử dụng để giao dịch.