Triết lí đó đúng trong trường hợp của Facebook. Người dùng có vẻ như được sử dụng miễn phí, nhưng thực chất mỗi khách hàng đã giúp Facebook kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động quảng cáo, thu được từ chính các tương tác của họ trên nền tảng này. Ứng dụng khéo léo sử dụng bí quyết này, khách hàng hoàn toàn vui vẻ "trả tiền" cho sản phẩm.
Theo TS Vũ Duy Thức, khởi nghiệp là một quá trình gồm nhiều bước. Đầu tiên là chọn ý tưởng (idea) kinh doanh (Bussiness Modeling); kế đến, chọn tập khách hàng (sức khỏe, làm đẹp,…); cuối cùng, bạn sẽ dùng giải pháp nào hay nói cách khác là kinh doanh hình thức nào, trọn gói, bán lẻ, cung cấp dịch vụ…Đồng thời, phải lưu ý đặt ra dead-line, ví dụ như trong 3 tháng đạt được 1000 khách hàng. Nếu không đạt thì nên chuyển hướng.
Bằng kinh nghiệm cá nhân, anh Thức lưu ý một sai lầm phổ biến của startup Việt Nam là bán quá nhiều cổ phần trong những lần gọi vốn đầu tiên. Nên những lần gọi vốn về sau sẽ làm hẹp đi số lượng cổ phần còn lại và làm giảm động lực của nhà sáng lập. Quan trọng hơn là làm giảm sức ảnh hưởng trong công ty.
Thông thường, startup hay tiếp cận những nguồn vốn chính như: tiền tiết kiệm, vay bạn bè, gia đình và các vườn ươm khởi nghiệp (accelerators). Giai đoạn này, nhà sáng lập không nên dùng hết tiền tiết kiệm hoặc vay mượn quá nhiều từ gia đình, bạn bè vì sẽ gặp áp lực rất lớn, nôn nóng thu hồi vốn sẽ càng dễ thất bại hơn.
Để biết startup có đi đúng hướng hay không, TS Vũ Duy Thức gợi ý có thể căn cứ vào các chỉ số khảo sát định lượng. Ví dụ Sean Ellis’s 40%. Nếu 40% người sử dụng trả lời thất vọng thì sản phẩm của bạn nhiều khả năng đi sai hướng. Tiếp theo là chỉ số Monthly active users (khách hàng sử dụng tiếp tục) và Monthly churn (không sử dụng tiếp tục). Các số liệu này giúp start up định hướng chiến lược chính xác.
Không có nhiều startup đủ nguồn lực đột phá, "đơn thương độc mã" trên bước đường kinh doanh, cho nên việc tham gia các vườn ươm khởi nghiệp rất cần thiết. Đó là các mô hình được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới doanh nghiệp mới thành lập, thông qua cung cấp các dịch vụ dùng chung, đào tạo, hỗ trợ tài chính, trang thiết bị và nhà xưởng...
Trong giai đoạn Covid-19, TS Vũ Duy Thức cho rằng việc phối hợp với các vườn ươm khởi nghiệp càng phải tiến hành chặt chẽ hơn nữa, nhất là các đối tượng startup sinh viên, học sinh, giới trẻ nói chung.
Bởi vì, đại dịch Covid-19 làm thị trường cạnh tranh gay gắt hơn, nguồn vốn đầu tư khan hiếm, cơ hội bị xói mòn. Startup muốn sống sót qua làn sóng Covid-19 nhất thiết phải có bệ đỡ vững chắc, cơ chế phòng ngừa rủi ro thông qua hệ sinh thái tập thể khởi nghiệp hỗ trợ lẫn nhau.
Các vườn ươm hiện nay phần lớn tập trung ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP. HCM. Gần đây, nhiều vườn ươm được đưa vào hoạt động ở các địa phương như Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (tại Cần Thơ), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Đại học Cần Thơ và nhiều vườn ươm của doanh nghiệp như các không gian làm việc: Up-Co, Dreamplex, Circo, I.Value…
Khi đã thành lập và đưa công ty startup vào hoạt động, ở vòng gọi vốn tiếp theo, nhà khởi nghiệp nên chọn các nhà đầu tư thiên thần (angel investors). Họ thường là những cá nhân giàu có cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp. Đa số đầu tư bằng tiền của chính bản thân họ nên họ sẽ luôn theo sát và hướng dẫn startup trong các khâu then chốt phát triển sản phẩm, thị trường, tìm kiếm khách hàng.
Ngoài ra, start up còn có thể gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Để thuyết phục được các nhà đầu tư dạng này, start up phải đưa ra thêm một ưu thế riêng mà công ty khác khó vượt qua (ví dụ là công ty duy nhất có bản quyền, giấy phép hoạt động của sản phẩm đó).