Công việc Blockchain và tiền kỹ thuật số đang hấp dẫn rất nhiều người ở châu Á, ngay cả khi thị trường tiền số phải chứng kiến những đợt sụt giảm thảm hại. Công nghệ Blockchain, nền tảng được dùng để tạo ra các loại tiền số như Bitcoin, thực chất là một sổ cái ghi giao dịch không thể sửa đổi. Người ta cho rằng nó có tiềm năng làm thay đổi ngành tài chính và nhiều ngành công nghiệp khác.
Công nghệ này đã được thổi phồng nhiều trong hai năm qua và được áp dụng trong cả các công ty khởi nghiệp hay những tập đoàn lâu năm. Tuy nhiên, lợi ích rõ nhất người ta nhìn thấy ở nó chính là đợt bùng nổ giá tiền số trong năm 2017, với nhiều đồng tiền tăng gấp hàng trăm lần giá trị.
Nếu nhu cầu với công việc liên quan Blockchain được coi là thước đo, đây sẽ là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao. Công ty tuyển dụng Robert Walters cho biết 50% nhu cầu công việc liên quan tới Blockchain và tiền số là ở châu Á. Các lập trình viên có kỹ năng ngôn ngữ Python là những người được tìm kiếm nhiều nhất.
Việc tìm kiếm các công việc liên quan tới Blockchain trên Linkedln cho thấy nhiều tập đoàn lớn, trong đó có IBM, cũng đang tuyển dụng các vị trí có liên quan. Hàng loạt tên tuổi lớn mới nổi, chẳng hạn như Binance, cũng góp mặt trong đội ngũ những công ty khát nhân sự Blockchain. Tuy nhiên, do sự hấp dẫn của nó, nhiều người bước chân vào lĩnh vực tiền số và Blockchain lại tới từ các ngành công nghiệp khác.
Công việc liên quan tới Blockchain, tiền số và Bitcoin ở châu Á.
"Chúng tôi hiếm khi thuê người trong giới tiền mật mã bởi hầu hết trong số họ đều rất thiếu kinh nghiệm. Bạn có rất ít, rất ít người có kinh nghiệm trong ngành này", Julian Hosp, đồng sáng lập ví tiền và thẻ tín dụng điện tử TenX, một công ty khởi nghiệp ở Singapore, nhận định.
Trong thực tế, mặc dù có rất nhiều người đam mê Blockchain nhưng họ chưa tìm ra cách bước chân vào ngành công nghiệp này. Ngoài ra, không nhiều người có kỹ năng thực tế cần thiết để đáp ứng vai trò của nhà phát triển, John Mullally, giám đốc dịch vụ tài chính Robert Walters ở Hồng Kông, cho biết.
Khi giá tiền số giảm mạnh và các đồng tiền mất đi phần lớn giá trị, nhiều công ty vẫn tỏ ra quan tâm tới nguồn nhân sự này. "Nếu tiền số thực sự có hiệu quả, nếu mọi người kiếm được nhiều tiền hơn từ tiền số, chúng tôi cũng có lợi lớn. Chúng tôi cần cưỡi lên con sóng này. Tuy nhiên, khi tiền số mất giá, vẫn có những sự quan tâm tới ngành công nghiệp này, cho thấy nó không phải lĩnh vực sắp chết", Hops nói với CNBC.
Trên thực tế, dữ liệu cho thấy người ta quan tâm nhiều nhất tới Blockchain khi giá Bitcoin lập đỉnh cuối năm 2017. Đà tăng của Bitcoin cũng khiến hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số khác tăng giá gấp nhiều lần, tạo nên cơn sóng thần trên thị trường tiền số. Tuy nhiên, khi tiền số giảm, nhu cầu với Blockchain vẫn được duy trì. Trong 3-6 tháng qua, ngày càng có nhiều chuyên gia tài chính truyền thống chuyển hướng quan tâm sang tiền số.