Tiền ảo được đánh giá là có tiềm năng, có thể mang lại lợi ích cho cả Nhà nước lẫn người dân và có khả năng tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các startup (khởi nghiệp) công nghệ. Tuy nhiên, đến nay tại Việt Nam, tiền ảo vẫn chưa có khung pháp lý, dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và tạo các lỗ hổng cho lừa đảo.
Đó là nhận định của các doanh nghiệp, chuyên gia tại hội thảo về những bất cập trong quản lý tiền ảo và kiến nghị xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM chiều 16-11.
Khoảng trống pháp lý tạo nhiều rủi ro
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế thuộc Bộ Tư pháp, kể đã có lần một tòa án tại Việt Nam thụ lý vụ kiện giữa cơ quan thuế và một người chơi tiền ảo bitcoin. Cụ thể, cơ quan thuế tỉnh Bến Tre truy thu một cá nhân khoản tiền thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân, tổng cộng hơn 2,6 tỉ đồng. Sau đó người bị truy thu thuế đã kiện ra tòa về quyết định của cơ quan thuế.
“Sau khi xem xét vụ kiện và đối chiếu các văn bản pháp luật, TAND tỉnh Bến Tre đã hủy các quyết định về việc truy thu thuế của cơ quan thuế Bến Tre. Lý do là Việt Nam chưa có khung pháp lý nào về tiền ảo, chưa có luật công nhận tiền ảo bitcoin là hàng hóa” - ông Nguyễn Thanh Tú nói.
Cũng vì chưa có quy định cụ thể nên thời gian qua đã xảy ra không ít vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo với số nạn nhân lên đến hàng ngàn người, số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng. Điển hình như vụ Sky Mining, Asama Mining, Pincoin, Onecoin,… gây rúng động dư luận.
Không chỉ vậy, bà Nguyễn Trần Bảo Phương, đồng sáng lập bitcoin Việt Nam, dẫn số liệu thống kê từ bốn sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới cho thấy lượng người Việt giao dịch nằm ở nhóm 10 nước tham gia mạnh nhất. Đáng tiếc là vì Việt Nam chưa công nhận tiền ảo, chưa có quy định rõ ràng nên dòng tiền thật để giao dịch tiền ảo đã chảy ra nước ngoài và Nhà nước không thu được một đồng thuế hay lợi ích nào.
Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng việc Việt Nam chưa có khung pháp lý dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư tiền ảo. Ảnh: PM
“Sự rủi ro từ giao dịch này rất lớn vì không biết người giao dịch ở nước nào, khi có sự cố xảy ra nhà đầu tư cũng không biết níu áo ai để lấy lại tiền đã đầu tư. Chưa kể do phải giao dịch với nước ngoài nên dễ sập bẫy các dịch vụ đáng ngờ; không được quản lý nên rất dễ gặp những tổ chức lợi dụng tiền ảo để kinh doanh đa cấp, lừa đảo tiền như đã xảy ra vừa qua” - bà Phương cảnh báo.
Theo luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo, Công ty luật TNHH IBL, hiện nay nhiều nước và vùng lãnh thổ đã định danh tiền ảo theo rất nhiều hình thức, trong đó điểm chung là không xem tiền ảo là đồng tiền pháp định. Chẳng hạn một số nước châu Âu, Mỹ xem tiền ảo là hàng hóa. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Singapore vừa xem tiền ảo là hàng hóa vừa xem là chứng khoán. Với cách tiếp cận khác nhau nên cách quản lý cũng khác nhau.
“Tại Hong Kong, nếu tiền ảo liên quan đến dịch vụ tài chính, họ giao cho ủy ban tiền tệ quản lý. Còn Ủy ban chứng khoán Hong Kong sẽ quản lý việc kêu gọi vốn từ các dự án tiền ảo. Cơ quan hải quan sẽ giám sát tiền ảo để chống rửa tiền… Thậm chí Úc tạo ra khung pháp lý để thử nghiệm các đồng tiền số cho các doanh nghiệp để theo dõi, nếu an toàn thì cho hoạt động, còn ngược lại thì chấm dứt để tránh ảnh hưởng kinh tế-xã hội” - LS Phương Thảo cho biết.
Vẫn lúng túng không biết gọi tiền ảo là gì
Ông Nguyễn Thanh Tú cho biết hiện nay có ba hình thức mà các nước đang áp dụng đối với tiền ảo. Thứ nhất là thả nổi, không giám sát, để các bên tự giao dịch và pháp luật không bảo vệ. Thứ hai là cấm giao dịch tiền ảo. Cuối cùng một số nước có giải pháp trung dung hơn: Cho phép và tập trung quản lý các tổ chức liên quan đến tiền ảo.
“Việt Nam hiện chưa có phương án nào như trên. Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Chính phủ phân tích chi tiết ưu và nhược điểm của tiền ảo; trong đó có phân tích sự phát triển tiền ảo, các vụ việc liên quan, kinh nghiệm quản lý của thế giới… và đề xuất khung pháp lý quản lý cho Việt Nam. Đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa có văn bản trả lời” - ông Tú thông tin.
Cũng theo ông Tú, dù muốn hay không thì giao dịch tiền ảo đã hoạt động trên thực tế. Trong khi Việt Nam vẫn hết sức lúng túng, không biết xếp tiền ảo theo kiểu nào, đó là tài sản, chứng khoán hay hàng hóa để từ đó vừa quản lý hiệu quả vừa thu được thuế.
“Quan điểm của Nhà nước với tiền ảo là cân bằng giữa phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, người tiêu dùng. Tuy vậy, tiền ảo có được xem là tài sản, hàng hóa hay dạng hình thức nào đó thì vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ” - đại diện Bộ Tư pháp cho hay.
ThS Nguyễn Huy Hoàng Nam, ĐH Luật Hà Nội, cho rằng Việt Nam nên xem xét áp dụng cách quản lý tiền ảo của các nước. Theo đó, có thể xem tiền ảo là một loại tài sản, một phương tiện thanh toán mà không phải là tiền pháp định. Nhật Bản và các nước áp dụng theo cách xác định này.
“Ủy ban chứng khoán nhà nước nên cân nhắc, nghiên cứu khả năng bổ sung quản lý hoạt động chào bán tiền ảo để đưa ra các quy định chặt chẽ, cụ thể. Nếu xác định tiền ảo là một phương tiện thanh toán hay một hình thức tương tự thì cần xem xét không tính thuế giá trị gia tăng nhưng có thể tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc cá nhân” - ông Nam đề nghị.
Ông Lê Ngọc Giang cũng gợi ý hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho tiền ảo. Song Việt Nam nếu xem tiền ảo dưới dạng chứng khoán thì áp dụng luật chứng khoán, còn xem là hàng hóa sẽ quản lý theo luật hàng hóa tương lai, phái sinh…
Đánh thuế với tiền ảo
TS Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế Bộ Tư pháp, cho hay Singapore không thừa nhận tiền ảo là tiền pháp định. Nhưng chính phủ Singapore xem việc cung cấp tiền ảo là cung cấp dịch vụ và không được miễn tiền thuế tiêu dùng.
Còn với Úc, trước đây tùy trường hợp cụ thể mà tiền ảo được xem là loại chứng khoán hay hàng hóa, dịch vụ không phải chịu thuế tiêu dùng. Nhưng đến đầu năm 2018, Úc xem tiền ảo là một tài sản kỹ thuật số nên chịu thuế trên thặng dư vốn, được xem là thuế thu nhập.