Ngày 2/8/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm 2018.
Trong đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. Đây cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra tại “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc dần tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ là chủ trương đúng đắn của NHNN nhằm giảm thiểu tình trạng đôla hoá trong nền kinh tế |
Cụ thể, Chiến lược đặt ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế. NHNN cũng đang xây dựng đề án hạn chế tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Nhiều năm qua, NHNN đã theo đuổi mục tiêu chống đô la hoá nền kinh tế, bằng nhiều hình thức. Từ khi áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0% vào năm 2015, theo thống kê, lượng tiền gửi ngoại tệ giảm từ 11,06% năm 2014 xuống còn 8,21% cuối năm 2017. Ngoại tệ dư thừa trên thị trường được NHNN mua vào, bổ sung cho dự trữ ngoại hối. Cơ quan điều hành cũng có chủ trương giảm dần hoạt động cho vay ngoại tệ của ngân hàng đối với khách hàng.
Theo đó, NHNN đã hai lần ngừng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở lại để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là thực tế vẫn có những doanh nghiệp không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm cần được ưu tiên, song vẫn có nguồn thu từ ngoại tệ nên vẫn đủ điều kiện vay, chuyển sang VND gửi lại ngân hàng với lãi suất cao hơn để kiếm lời, ăn chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường ngoại hối cũng như việc quản lý, điều hành của NHNN.
Giới chuyên gia đều cùng chung quan điểm rằng chính sách thắt chặt tín dụng ngoại tệ trong vài năm gần đây đã giúp giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD tới nền kinh tế trong nước. Chuyên gia cũng chia sẻ thêm, khi ngân hàng còn cho vay ngoại tệ đồng nghĩa với việc vẫn duy trì huy động bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ thì sẽ ngừng cả phía huy động. Ở thời điểm hiện tại, NHNN vẫn duy trì cho vay ngoại tệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, còn ngân hàng nhận tiền gửi là USD để khuyến khích nguồn kiều hối đổ về trong nước.
“Chấm dứt dần cho vay gửi ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua – bán là chính sách đúng đắn, phù hợp của nhà điều hành cần được khẩn trương thực hiện”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.
Theo một chuyên gia bày tỏ, ở thời điểm hiện tại, việc nhiều doanh nghiệp được vay bằng ngoại tệ cũng đóng góp một phần vào doanh thu cho ngân hàng. Nếu thời gian tới, NHNN chính thức chấm dứt việc cho vay bằng ngoại tệ thì dĩ nhiên, nguồn thu của nhiều ngân hàng sẽ có phần giảm xuống, nhưng sẽ không đáng kể. Bởi vị này cho rằng, thứ nhất, việc vay bằng ngoại tệ hiện chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ cho vay.
Thứ hai, khi cho vay bằng ngoại tệ, tỷ lệ lợi nhuận ròng không cao như đối với cho vay bằng VND. “Trong vòng 10 năm tới, NHNN có thể xem xét dần siết lại hoạt động cho vay ngoại tệ để đến năm 2030 có thể chấm dứt lĩnh vực này như mục tiêu chiến lược đề ra”, vị chuyên gia này cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc siết lại cho vay bằng ngoại tệ cần có lộ trình phù hợp, bởi với lãi suất vay USD thấp hơn khá nhiều so với lãi suất vay VND, việc được vay ngoại tệ sẽ góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, nhất là khi thương mại toàn cầu đang căng thẳng hiện nay.
Thế nhưng cũng cần lưu ý rằng, vay ngoại tệ, khách hàng còn phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá. Vì thế, việc khách hàng là doanh nghiệp quyết định vay ngoại tệ hay VND là tùy tính toán của họ. Những quy định về cho vay ngoại tệ là cơ sở cho DN tính toán để có phương án vay vốn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và khả năng cạnh tranh của mình trên thương trường.