Nhiều khó khăn cùng lúc kéo đến, khiến đại diện một doanh nghiệp nhựa thành viên của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) tâm sự mới đây có nhận được cuộc gọi từ cơ quan chính quyền, đồng cảm rằng ngành nhựa nói chung và doanh nghiệp nói riêng sao "đen", mà "đen" liên tiếp.
Thật vậy, câu chuyện doanh nghiệp nhựa đồng loạt lên tiếng "kêu cứu" đã được báo giới đăng tải thời gian qua, khi hàng tồn lớn, bị cấm nhập khẩu phế liệu khiến nhiều công ty phải dừng hoạt động vì không có việc để làm. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu nhân sự để đảm bảo nguồn vốn, song vẫn rất nặng lòng khi công nhân của mình điêu đứng, hoàn cảnh khó khăn nay lại mất việc.
Và trước tình hình này, VPA đã phối hợp với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đưa ra những giải pháp, kiến nghị lên các cơ quan chức năng.
3 giải pháp khẩn cấp từ VPA
Thứ nhất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT):
+ Đưa thông tin các công ty đã được cấp phép lên cổng thông tin điện tử Quốc gia để cơ quan Hải quan nắm bắt kịp thời, chỉ tiếp nhận khai báo làm thủ tục nhập khẩu cho các công ty đã có tên trên cổng thông tin điện từ Quốc gia.
+ Tập trung nhân lực, đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu NPL mới cho các doanh nghiệp đã đầu tư đúng quy chuẩn.
+ Xem xét mở rộng quy chuẩn VNQC32: Đưa tất cả các loại nhựa có thể tái chế không lẫn tạp chất nguy hại vào danh mục NPL được phép nhập khẩu hoặc ít nhất phải có thêm các loại ống, tấm, khay, màng, bao bì, đồ chơi, pallet, két nhựa... nhằm mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu và tránh tồn cảng trong tương lai khi lô hàng nhập có lẫn các loại nhựa này.
+ Thay đổi phương pháp quản lý: Sử dụng giải pháp "dễ dàng đầu vào, siết chặt đầu ra" như các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia... đang làm, có nghĩa là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu hầu hết các chủng loại nhựa có thể tái chế nhưng quản lý chặt đầu ra là nước thải và khí thải của các nhà máy tái chế.
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành tái chế NPL nhằm mục đích siết chặt và thuận tiện cho việc quản lý, đẩy mạnh việc phát triển ngành nhựa Việt Nam.
Thứ hai, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải:
+ Yêu cầu hãng tầu chỉ cho xếp hàng lên tầu đối với các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực. Như vậy sẽ buộc doanh nghiệp nhập khẩu phải có trách nhiệm với lô hàng của mình đến cùng, nếu không họ sẽ bị tước giấy phép nhập khẩu; sẽ không còn những lô hàng tồn cảng do doanh nghiệp đứng tên nhận hàng rồi bỏ hàng như trước đây.
+ Yêu cầu các hãng tầu miễn phí phạt lưu container và lưu bãi cho các doanh nghiệp để nhanh chóng giải phóng hàng tồn. Nếu không miễn phí thì doanh nghiệp không thể rút hàng được.
+ Không yêu cầu các hãng tầu phải có trách nhiệm tái xuất hàng hoá không đạt tiêu chuẩn hoặc do doanh nghiệp không đến nhận hàng vì trách nhiệm xử lý tái xuất hàng hoá là của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay các hãng tàu đã từ chối việc vận chuyển NPL đến Việt Nam, đây là điều rất đáng lo ngại.
Thứ Ba, kiến nghị Bộ Tài Chính - Tổng Cục Hải Quan (TCHQ):
+ Yêu cầu chi Cục Hải Quan các tỉnh thành phố thống nhất thực hiện kiểm soát thông quan mặt hàng NPL theo nghị định 38/2015/NĐ-CP của thủ tướng, thông tư 41/2015/TT-BTNMT của BTNMT, đây là văn bản quản lý chuyên ngành đã rất rõ ràng và chi tiết, huỷ bỏ văn bản số 4202 đã ban hành, không ban hành thêm các văn bản quản lý chồng chéo làm tình trạng hàng tồn cảng thêm trầm trọng.
+ Cho thông quan tất cả các container hàng nhựa đã qua sử dụng (bao, màng) đang tồn tại cảng biển như trước đây. Nếu có thay đổ chính sách không cho nhập khẩu mặt hàng này thì phải được ban hành theo văn bản quy phạm pháp luật, tối thiểu là thông tư do cơ quan ngang Bộ ban hành và có thời gian ân hạn cho doanh nghiệp chuẩn bị.
+ Tăng cường việc phòng ngừa rủi ro trong việc kiểm soát hàng hoá: Cho nâng luồng kiểm tra xác suất hoặc phối hợp trực ban trực tuyến của TCHQ để giám sát chặt chẽ mặt hàng NPL và hàng đã qua sử dụng. Thực hiện việc này tức là đã là đã kiểm soát mặt hàng ở mức cao nhất so với các mặt hàng khác.
Cơn bĩ cực chưa từng có
Nhắc lại khó khăn của ngành nhựa hiện nay, kể từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập 24 loại phế liệu thì lượng nhựa phế liệu (NPL) nhập vào Việt Nam sáu tháng đầu năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017. Thực chất năm 2017 tổng lượng NPL nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 90.000 tấn, theo Tân Cảng Sài Gòn đến ngày 26/6/2018 lượng hàng tồn cảng là 4.480 container tương đương với khoảng 70.000 tấn.
Theo VPA, trước hết cần phải bình tĩnh nhìn nhận và phân tích lý do tại sao mặt hàng NPL tồn cảng, phải làm gì để giúp ngành nhựa phát triển mà vẫn quản lý được rủi ro, đó là thách thức đối với các cơ quan quản lý.
Có đến 7 lý do lớn cho vấn nạn này, cụ thể:
(1) Hàng tồn do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của BTNMT.
Ngày 9/9/2015 Bộ TNMT đã ban hành Thông tư 41/2015/TT-BTNMT thống nhất việc cấp phép nhập khẩu phế liệu trực thuộc Bộ TNMT, đây là việc làm đúng để có thể quản lý chặt các doanh nghiệp nhập khẩu NPL. Những năm trước đó việc cấp phép này thuộc về Sở TNMT các tỉnh, khoảng 25 giấy phép được cấp trong cả nước, đa số hết hạn hiệu lực vào cuối năm 2017. Trước năm 2017 các doanh nghiệp không mặn mà gì với việc nhập khẩu NPL do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp của Trung Quốc, vì vậy năm 2016-2017 rất ít doanh nghiệp xin cấp giấy phép theo quy định mới của BTNMT.
Đầu năm 2018, đúng lúc Trung quốc cấm nhập khẩu NPL, doanh nghiệp tái chế NPL vội vàng xây dựng nhà máy đáp ứng điều kiện cấp phép nhập khẩu của BTNMT. Tuy nhiên, để đầu tư bài bản theo đúng yêu cầu của BTNMT thì cần thời gian ít nhất là 12-24 tháng. Hàng nhập đang trên biển, Sở TNMT không có chức năng cấp phép nữa, hạ tầng kỹ thuật của nhà máy chưa hoàn thiện, đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng hàng phải tồn cảng.
(2) Hàng tồn do quy chuẩn QCVN 32 - BTNMT khó thực hiện trong thực tiễn.
QCVN32 là quy định tiêu chuẩn NPL nhập khẩu do BTNMT ban hành để kiểm soát chất lượng NPL nhập khẩu. Mặt NPL là hàng phi tiêu chuẩn, doanh nghiệp có cố gắng đến đâu cũng khó đạt được quy chuẩn của BTNMT. Chỉ cần hai tiêu chí của QCVN32 là: NPL phải sạch và tạp chất không quá 2% đã làm khổ doanh nghiệp, sạch là một khái niệm ước lệ khó đo đếm, con số 2% là con số đánh đố! (thực chất khó có thể tách tạp chất trong lô hàng ra để cân đo 1% hay 2% hoặc 3%).
Cũng theo Quy chuẩn QCVN32, chỉ có 4 loại hình NPL được phép nhập khẩu, còn rất nhiều loại khác hiệu quả tái chế cao nhưng không được phép lẫn. Đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của Việt nam, nếu bên bán đóng hàng vào container lẫn một ít loại khác, cả lô hàng sẽ bị định nghĩa là chất thải không được phép nhập khẩu. Doanh nghiệp ngậm đắng nuốt cay không dám đến nhận hàng. (số lượng hàng tồn cảng này không nhỏ).
(3) Hàng tồn do các văn bản quản lý mới của TCHQ.
Trước sức ép của dư luận, TCHQ đã ban hành các văn bản quản lý nhằm siết chặt việc kiểm soát hàng phế liệu như văn bản số 3738/TCHQ-GSQL ngày 26/6/2018; văn bản số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018. Các văn bản này được ban hành vội vàng, trái với khoản 1 và khoản 2 điều 14 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 của Quốc Hội, chồng chéo với thông tư 41/TT-BTNMT, không phù hợp với nghị định 74/2018/NĐ-CP và có nhiều điểm bất cập mà chính Hải quan các cảng cũng không thực hiện được càng làm hàng hoá ách tắc thêm trầm trọng.
(4) Hàng tồn do các cảng không làm được thủ tục thông quan mặt hàng nhựa đã qua sử dụng như trước đây.
Hàng đã qua sử dụng vẫn còn công năng sử dụng như bao tải cẩu bằng nhựa (bao một tấn), màng nhựa là mặt hàng sạch đẹp, đã được phân loại đồng nhất, sử dụng trong việc đóng gói và làm màng phủ trong nông nghiệp. Mặt hàng không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Bộ Công Thương, doanh nghiệp được quyền kinh doanh. Thực tế doanh nghiệp vẫn nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng này trong những năm qua.
Theo văn bản số 4202 của TCHQ, Hải quan các cảng không thể tiếp tục thông quan được các mặt hàng này. Dừng thông quan đột ngột mà không thông báo trước, không gia hạn để doanh nghiệp có thời gian phản ứng, đổ thêm gánh nặng lên doanh nghiệp.
(5) Hàng tồn do phí lưu container quá cao.
Hàng tồn lâu thì doanh nghiệp không có khả năng rút được hàng nữa vì phí lưu container phải trả cho hãng tàu đã vượt quá tiền hàng, doanh nghiệp không dám đến nhận hàng (được gọi là bỏ hàng). Những năm qua doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều tiền trả phí cho hãng tầu nước ngoài.
(6) Hàng tồn cảng do tồn các mặt hàng khác tích tụ từ nhiều năm trước.
Số hàng tồn cảng không chỉ có NPL mà còn có giấy, các mặt hàng vô chủ khác và hàng tạm nhập nhưng không tái xuất được.
(7) Hàng tồn cảng do quản lý cảng biển.
Hàng tồn và gây ách tắc nhất hiện nay là tại cảng Cát Lái, Tp.HCM nhưng các cảng khác lại rất rảnh như cảng Cái Mép - Thị vải và các cảng khác. Đây là vấn đề của các nhà quản lý và công ty kinh doanh cảng biển.
So với thế giới, lượng nhập NPL Việt Nam chưa đáng kể
Theo số liệu của Viện Công Nghệ Tái Chế Hoa Kỳ, năm 2016 tổng lượng nhựa phế liệu (NPL) nhập khẩu của các nước trên thế giới vào khoảng 15,5 triệu tấn tương đương với 5,4 tỷ USD, riêng Trung quốc nhập khẩu 7,3 triệu tấn, Hồng Kong 2,9 triệu tấn. Tổng lượng phế liệu các loại (sắt thép, giấy và NPL) của Trung Quốc nhập khẩu năm 2016 là 45 triệu tấn tương đương với 18 tỷ USD.
Các nước EU, Mỹ, Nhật là những nước xuất khẩu lớn nhất. NPL được xuất khẩu đến trên 90 nước, các nước nhập khẩu chủ yếu nằm ở Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia ....Đặc biệt các nước phát triển đang xuất khẩu NPL cũng nhập khẩu một lượng NPL không nhỏ lên đến 3,3 triệu tấn/năm (Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Ý, Thuỵ Điển, Hà Lan...).
Như vậy, so với lượng NPL xuất khẩu toàn thế giới 15,5 triệu tấn năm thì lượng NPL đã nhập khẩu vào Việt nam hàng năm là không đáng kể. Nếu ngành nhựa được kiểm soát tốt, VPA tự tin sẽ là một ngành tăng trưởng mạnh, đóng góp nhiều cho nền kinh tế cả nước thời gian tới.