Ngày 27-2, UBND tỉnh Thái Bình đã công bố Quyết định 180/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) phân khu Bắc, hạng mục KCN. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến dự.
Nhiều dự án ngàn tỉ
Green iP-1 là một trong các KCN ở Khu Kinh tế Thái Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 3.885 tỉ đồng, quy mô 588,84 ha, đóng tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.
Phát biểu tại buổi công bố quyết định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ kỳ vọng trong tương lai gần, Green iP-1 cùng với 7 KCN đã và đang hoạt động ở Thái Bình sẽ phát triển mạnh mẽ hơn; Thái Bình sẽ sớm trở thành tỉnh giàu của vùng đồng bằng sông Hồng.
Ngoài Green iP-1, từ sau Tết Tân Sửu 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký hàng loạt quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án hạ tầng kỹ thuật KCN ở một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh... Mỗi dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
KCN Hòa Phú ở Bắc Giang được điều chỉnh mở rộng thêm 85 ha.
Theo đó, tại Bắc Ninh, một trong những dự án lớn được phê duyệt là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Gia Bình. Dự án có tổng vốn hơn 2.578 tỉ đồng, quy mô 306,69 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Đông Cứu, Lãng Ngâm và Đại Bái của huyện Gia Bình, do Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó là dự án đầu tư KCN Yên Phong II-A (đóng tại 2 xã Tâm Giang và Hòa Tiến, huyện Yên Phong), quy mô 151,27 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.830 tỉ đồng, do Công ty CP Hạ tầng Western Pacific làm chủ đầu tư.
Tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Việt Hàn ở huyện Việt Yên, do Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long làm nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hàng loạt KCN tại các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang; quy mô mỗi dự án từ 100-300 ha. Đồng thời, mở rộng KCN Quang Châu (huyện Việt Yên) với diện tích tăng thêm 90 ha; KCN Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa) với diện tích tăng thêm 85 ha…
Trong khi đó, TP Hải Phòng đang gấp rút triển khai kế hoạch mở rộng đầu tư các KCN, ngoài 12 KCN đã và đang đầu tư. Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, cho biết các KCN và khu kinh tế trên địa bàn đã thu hút được 403 dự án FDI (tổng vốn đầu tư 17,1 tỉ USD) và 167 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đầu tư 6,2 tỉ USD).
Trong giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng có kế hoạch phát triển thêm 15 KCN (tổng diện tích 6.418 ha) và 23 cụm công nghiệp (tổng diện tích 973 ha) để đón sóng dịch chuyển đầu tư FDI đến Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm, Hải Phòng đứng thứ hai trên cả nước trong thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký gần 918 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.
Tạo tiền đề thu hút đầu tư
Hàng loạt dự án đầu tư KCN ở các tỉnh, TP phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra cơ hội cho các địa phương trong việc đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư, nhất là đầu tư FDI từ các nước vào Việt Nam.
Với dự án Green iP-1, UBND tỉnh Thái Bình cam kết quyết tâm, nỗ lực, triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn để tạo ra điểm đến mới, có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Còn lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định địa phương luôn sẵn sàng về mặt bằng, "làm tổ" sẵn cho nhà đầu tư. Trong đó, có các KCN, cụm KCN rộng hàng ngàn hecta được đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, điện, nước. Các dự án lớn đầu tư vào các KCN của tỉnh vừa được phê duyệt là những tiền đề quan trọng.
Thực tế thời gian qua, các KCN của tỉnh Bắc Ninh thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, trong đó đầu tư FDI chiếm tỉ lệ cao. Trong năm 2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 100 dự án thứ cấp đầu tư vào các KCN với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt khoảng 1,1 tỉ USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,2 triệu tỉ đồng và thu ngân sách 11.500 tỉ đồng.
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, nhìn nhận các KCN đã và đang thu hút đầu tư rất lớn cho tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các dự án KCN mới, cũng như KCN mở rộng đều nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, kết nối với các địa phương trong vùng dễ dàng.
Từ lợi thế đó, Bắc Giang sẽ khẩn trương triển khai các dự án xây dựng hạ tầng KCN theo hướng hiện đại, đồng bộ, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, giao thông để thu hút những dự án công nghệ cao. Ông Cường khẳng định địa phương sẽ giải quyết triệt để các vấn đề về bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dưới góc nhìn chuyên gia, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đánh giá cao các địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh trong việc đầu tư mạnh vào các KCN. Theo ông, phải chuẩn bị đủ điều kiện mới có thể đón làn sóng đầu tư.
Trên 50% KCN nằm ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến cuối tháng 2-2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,3 tỉ USD và 324.900 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng là 2,34 tỉ USD và 152.400 tỉ đồng, bằng khoảng 46,2% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.
Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, TP, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ hiện có tổng cộng 208 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 71.800 ha, chiếm 56,2% về số lượng KCN và 62,3% về diện tích đất tự nhiên so với cả nước.