CJ Cầu Tre vừa thông qua việc mở thêm hạn mức tín dụng 20 triệu USD tại Ngân hàng DBS (Singapore) để thanh toán các chi phí thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm mới tại KCN Hiệp Phước. Thời hạn cấp hạn mức tín dụng có hiệu lực 1 năm kể từ ngày 9/8/2018, được bảo lãnh bởi Công ty CJ CheilJedang – cổ đông lớn của CJ Cầu Tre.
Theo BCTC năm 2017, CJ Cầu Tre đang có khoản vay 158 tỷ đồng Ngân hàng DBS, được bảo lãnh bởi công ty mẹ là CJ Cheiljedang Corporation, cùng với khoản vay với Vietcombank chi nhánh Tp.HCM và TTC Land không được đảm bảo với tổng trị giá 251 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng nguồn vốn của CJ Cầu Tre đạt 870 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Riêng nợ phải trả chiếm tỷ lệ hơn 75% với phần lớn là vay tài chính ngắn hạn.
Đã hai lần tăng mức đầu tư
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 7/2018, cổ đông CJ Cầu Tre đã thông qua phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy Chế biến Thực phẩm mới tại KCN Hiệp Phước là 1.965 tỷ đồng. Đây là lần tăng mức đầu tư thứ hai kể từ khi Cầu Tre về chung nhà với CJ Hàn Quốc.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 đã thông qua chủ trương xây dựng nhà máy với tổng đầu tư dự kiến 500 tỷ, thời gian thực hiện từ quý 4/2016 đến quý 2/2018.
Đến kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2017, cổ đông đã thông qua phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm mới tại KCN Hiệp Phước từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng do phải mở rộng quy mô khi nhân sự tăng... Dự án mới có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trên diện tích đất hơn 71.271 m2. Nguồn vốn sẽ từ chuyển quyền sử dụng đất hiện hữu của Cầu Tre tại 125/208 Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (thông qua việc hợp tác đầu tư phát triển dự án khu phức hợp cao tầng Cầu Tre Plaza); vay Vietinbank (450 tỷ đồng); vay ưu đãi trong chương trình kích cầu đầu tư của UBND Tp.HCM (200 tỷ đồng) và vay vốn từ cổ đông lớn CJ. Thời điểm thực hiện chuyển qua quý 3/2017 đến quý 4/2018.
Kế hoạch 2017 lỗ, thực tế lãi thu về gấp 20 lần năm ngoái
Về CJ Cầu Tre, năm 2017 Công ty ghi nhận 975 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng gần 23% so với năm trước. Bán thực phẩm chế biến (chả giò, xúc xích…) và nông sản vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu với hơn 97%. Phần còn lại đến từ cho thuê kho bãi, kinh doanh bất động sản…
Lợi nhuận gộp tương ứng tăng 33%, tuy nhiên vẫn không đủ bù đắp tổng các chi phí (204 tỷ), khiến Công ty phải báo lỗ thuần gần 30 tỷ đồng. Trong khi đó, năm trước tình hình kinh doanh tương đối ảm đạm nhưng CJ Cầu Tre vẫn lãi 245 triệu đồng.
Mặt khác, Công ty có thu về 128 tỷ từ một phần tiền bồi thường và hỗ trợ di dời tài sản tại trụ sở cũ (quận Tân Phú) sang nhà máy Hiệp Phước, nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa công ty với TTC Land.
Kết quả là, lợi nhuận sau thuế Công ty tăng vọt lên 80 tỷ đồng, năm 2016 chỉ đạt khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, không chỉ không thua lỗ như dự báo trước đó của CJ Cầu Tre, Công ty còn ghi nhận sự tăng trưởng trở lại sau 3 năm đi lùi.
Đặt kế hoạch cho năm 2018, CJ Cầu Tre kỳ vọng doanh thu đạt 1.325 tỷ, chủ yếu đến từ mảng kinh doanh chính (1.306 tỷ); lợi nhuận trước thuế dự đạt 300 tỷ đồng.