Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), trực tuyến từ Trụ sở NHNN với các NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc vào chiều ngày 09/01/2019.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hệ thống QTDND sau hơn 25 năm triển khai xây dựng và phát triển đến nay đã hoạt động lành mạnh, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra, thực hiện huy động vốn trên địa bàn để cho vay các thành viên nhằm mục đích tương trợ giữa các thành viên, tăng cường tính liên kết. Hoạt động của các QTDND đã cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh cho các thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn.
Tính đến 30/11/2018, toàn hệ thống QTDND có 1.183 quỹ, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với số thành viên là 1.550.936 thành viên (bình quân 1 quỹ 1.311 thành viên). Tổng nguồn vốn tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu nguồn vốn tương đối hợp lý: tổng nguồn vốn đạt 112.546,4 tỷ đồng (30/11/2018) tăng 9,7% so với 31/12/2017, bình quân 95,1 tỷ đồng/quỹ; tổng dư nợ cấp tín dụng là 89.055,8 tỷ đồng, tăng 11% so với 31/12/2017.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong hoạt động của hệ thống QTDND, trong đó, một bộ phận các QTDND có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích liên kết, tương trợ giữa các thành viên, mà chạy theo mục tiêu lợi nhuận; không tuân thủ các quy định pháp luật, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ… Công tác quản lý, thanh tra, giám sát của một số NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các QTDND còn hạn chế, thiếu quyết liệt
Tại Hội nghị này, Quyền Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng Nguyễn Văn Du đã quán triệt tinh thần Chỉ thị 06/CT-NHNN của Thống đốc NHNN về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND để đảm bảo cho các QTDND phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, hoạt động đúng mục tiêu, đúng tính chất của loại hình.
Chủ trì Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN đã rất quyết liệt, chỉ mới một năm vừa qua NHNN đã tổ chức 3 hội nghị về QTDND. Bên cạnh đó, tất cả những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nhận diện, đề ra rất cụ thể và rõ ràng tại Chỉ thị 06, nên điều cần nhấn mạnh ở đây là "quán triệt về quan điểm, tư tưởng, trách nhiệm với vấn đề này".
Nhiều chia sẻ được các NHNN Chi nhánh trao đổi tại hội nghị, đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và những bài học cần rút kinh nghiệm. Từ đó đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát đối với các QTDND, nâng cao vai trò của QTDND trong việc hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại trụ sở NHNN
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để phát triển hệ thống QTDND trong thời gian tới, cần tập trung rà soát, củng cố, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống QTDND theo Chỉ thị 06 nhằm đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh và hiệu quả trước khi thực hiện việc tăng cường mở rộng phát triển hệ thống QTDND.
Việc tổ chức hoạt động, thành lập mới, mở rộng phát triển QTDND phải đảm bảo tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích của mô hình kinh tế tập thể với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên trên cơ sở liên kết trong cùng địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc liên kết theo ngành nghề sản xuất. Đây là cơ sở cho sự ổn định, lành mạnh và an toàn hoạt động QTDND. Đồng thời tiếp tục sắp xếp lại các QTDND, thành lập mới hay thu hẹp giảm bớt số lượng QTDND tại từng tỉnh, thành phố đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực sự cần thiết khách quan. Việc thu hẹp được tiến hành bằng các hình thức hợp lý, đảm bảo sự ổn định an toàn hệ thống.
Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế quản lý hệ thống QTDND với các cấp độ khác nhau về quy mô, phù hợp với mô hình kinh tế tập thể, năng lực quản trị, điều hành của QTDND. Phân cấp quy mô về vốn, sẽ có các điều kiện tương ứng về bộ máy, con người, trình độ quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, cơ sở vật chất và công nghệ thông tin để đảm bảo hoạt động của các QTDND an toàn và hiệu quả.
Song song với việc củng cố, chấn chỉnh hệ thống, cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tăng cường gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của QTDND, liên kết giữa các QTDND với NHHTX, Hiệp hội QTDND, Quỹ Bảo toàn để phát triển hệ thống QTDND. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ khi có rủi ro thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Chúng ta cần tạo sự đồng bộ trong việc quản lý các QTDND hiện nay. Toàn ngành Ngân hàng và những công cụ sẵn có của chúng ta phải vào cuộc, để hỗ trợ công tác quản lý của NHNN, phải có cơ chế rõ ràng cho NHHTX, Bảo hiểm tiền gửi để tham gia hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững".
Phó Thống đốc cũng yêu cầu triển khai ngay giải pháp cụ thể, tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống QTDND thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro; xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống QTDND nói riêng và an toàn hệ thống các TCTD nói chung.