UBND TP HCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP hoàn chỉnh hồ sơ tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuộc phường Bình Khánh, TP Thủ Đức. Số căn hộ chuẩn bị đem đấu giá có tổng diện tích đất hơn 38,4 ha, trong tổng thể 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án hoàn thành từ năm 2015, nằm tại vị trí trung tâm quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức), thuận tiện di chuyển đến các quận trung tâm TP. Số căn hộ này từng được đấu giá vào năm 2017 với mức giá khởi điểm 8.800 tỉ đồng và năm 2018 với mức giá 9.100 tỉ đồng nhưng không có doanh nghiệp, nhà đầu tư nào quan tâm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, số căn hộ tái định cư này sẽ được tách ra thành 2 gói để đấu giá. Cụ thể, gói thứ nhất có 1.570 căn hộ, gồm 11 block chung cư của 2 lô R4, R5 với hơn 31.800 m2 đất; gói còn lại có 2.220 căn hộ, gồm 14 block chung cư thuộc 3 lô R1, R2 và R3 trên diện tích hơn 47.000 m2 đất.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình chứng thư thẩm định giá khởi điểm của khối tài sản trên cho Hội đồng Thẩm định giá TP xem xét và phê duyệt. Sau khi được duyệt giá khởi điểm và cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chế đấu giá, thông tin sẽ được công khai lên trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP để mời gọi các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Tuy chưa có giá chính thức nhưng chắc chắn mức giá khởi điểm sẽ tăng hơn so với mức giá lần trước.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi có dự án căn hộ tái định cư sắp được TP HCM đấu giá Ảnh: HOÀNG TRIỀU
UBND TP yêu cầu các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ tổ chức đấu giá trước ngày 15-6. Sau khi trúng đấu giá, số căn hộ tái định cư này sẽ được chuyển đổi thành nhà ở thương mại, có quyền mua bán hoặc chuyển nhượng. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng dự án mới tại khu đất này thì phải đề xuất dự án lên UBND TP rồi thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và làm nghĩa vụ tài chính bổ sung với nhà nước theo quy định.
Để hỗ trợ TP đấu giá thành công số căn hộ nói trên, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp hội viên, đề nghị quan tâm tham gia đấu giá. Tại văn bản này, HoREA đánh giá dự án có ưu thế tọa lạc vị trí đắc địa. Nhà đầu tư trúng đấu giá chắc chắn sẽ nâng tầm uy tín thương hiệu. Nếu có nhu cầu đầu tư dự án mới tại vị trí này được TP xem xét chấp thuận sẽ càng tăng uy tín thương hiệu cho nhà đầu tư.
Tuy vậy, một doanh nghiệp có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án nhà ở chung cư cho rằng dù dự án mà TP sắp đấu giá có vị trí đắc địa nhưng để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp mạnh dạn tham gia là không đơn giản, vì còn phải tính đến nhiều yếu tố khác như: tài chính, cơ chế liên quan đến vận hành dự án về sau. Cụ thể, về tài chính, nếu giá khởi điểm hơn 10.000 tỉ đồng thì không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để tham gia đấu giá.
Theo các chuyên gia bất động sản, đây là trở ngại lớn khiến 2 đợt đấu giá trước gặp thất bại. Bởi quy định ký quỹ đến 20% giá khởi điểm, nếu trúng đấu giá phải nộp 50% giá trị trúng thầu trong vòng 1 tháng và 50% còn lại trong 90 ngày. Số tiền lớn mà thời gian thanh toán lại quá ngắn nên không có nhà đầu tư nào "mặn mà". Trong khi để triển khai một dự án mới, chủ đầu tư chỉ cần bỏ ra 20%-30% vốn đối ứng và có thể huy động từ khách hàng, chi phí khá dễ chịu và áp lực lãi, chi phí tài chính giảm nhiều. Vì vậy họ có thể chọn triển khai dự án mới theo ý mình thì dễ dàng hơn.
Chưa kể, chủ trương của TP là đấu giá trọn lô, thu tiền một lần nên đối tượng tham gia đấu giá bị giới hạn trong phạm vi doanh nghiệp và tổ chức, còn cá nhân rất khó tham gia.
Với tư cách một nhà tư vấn đầu tư cho các công ty nước ngoài, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng nếu chia nhỏ các gói thầu, mỗi gói vài trăm căn hộ sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia đấu giá vì dễ cân đối vốn, thay vì chia ra làm 2 gói với số lượng lớn như vậy. Đồng thời, TP có thể chia ra làm nhiều đợt đấu giá để tăng dần giá khởi điểm lên, giống những dự án thương mại mà các doanh nghiệp đã làm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cũng cho rằng nếu đấu giá lại lần này không thành công thì TP nên tính phương án giảm giá. Mức giảm khoảng 10% và có thể chia nhỏ từng block vài trăm căn hộ để đấu giá thay vì bán "sỉ" hàng ngàn căn hộ.
Lo ngại chất lượng công trình
Trong văn bản gửi các thành viên, HoREA đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp cần phải lưu ý một số mặt hạn chế của dự án nhà tái định cư như: chất lượng công trình, chất lượng vật tư, vật liệu xây dựng, trang thiết bị so với các dự án nhà ở thương mại. Ngoài ra còn có ý kiến quan ngại về chất lượng công tác quy hoạch, thiết kế tòa nhà, thiết kế căn hộ cũng như các tiện ích phục vụ cư dân. Do vậy, HoREA đề nghị nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bổ sung các tiện ích, dịch vụ.