Chiều nay (29/10), Tòa án nhân dân TPHCM quyết định tạm dừng phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) với yêu cầu của Vinasun đòi bồi thường gần 42 tỷ đồng thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tòa án nhân dân TPHCM quyết định tạm dừng phiên tòa
Theo kế hoạch, chiều nay Hội đồng xét xử sẽ tuyên án sơ thẩm. Tuy nhiên, mở đầu phiên tòa, chủ tọa bất ngờ cho rằng, cần quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ một số vấn đề mà Hội đồng xét xử quan tâm nhằm tập trung làm rõ các khoản thiệt hại của Vinasun, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại này với hoạt động của Grab.
Theo đại diện Vinasun, số xe nằm bãi trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 là 2.777 chiếc, trong khi từ ngày 30/6/2016, số lượng xe taxi của Grab và Uber lên đến hơn 23 ngàn xe (chiếm 71% số taxi hoạt động tại TPHCM) và sự phát triển nhanh chóng của loại hình này đã ảnh hưởng rất lớn đến Vinasun.
Trong khi đó, phía bị đơn Grab vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị hoãn phiên tòa; luật sư của Grab cho rằng, giám định của Công ty Cửu Long có nhiều sai sót và không nhất quán, số liệu, phương pháp tính không chính xác, “không chứng minh được quan hệ nhân quả giữa hoạt động của Grab đã gây ra thiệt hại cho Vinasun”.
Theo Hội đồng xét xử, thiệt hại của Vinasun đến từ nhiều nguyên nhân khác, như nhu cầu của khách hàng, sự cạnh tranh các hãng taxi khác. Việc giám định trong lĩnh vực này rất phức tạp, hồ sơ vụ án đến 5.000 trang, trong khi giám định viên lại không có mặt tại phiên tòa nên rất khó để giải thích.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa bởi “cần phải xác minh, thu thập bổ sung các tài liệu, chứng cứ liên quan đến kết luận giám định thì mới giải quyết vụ án”. Phiên xử sẽ được mở lại vào lúc 8g ngày 22/11.
Tài xế tập trung ngoài phiên tòa |
Được biết, tháng 6/2017, Vinasun kiện Grab ra Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân TPHCM vì cho rằng Grab đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun nên doanh nghiệp này yêu cầu Grab phải bồi thường số tiền 41,2 tỉ đồng. Theo Vinasun, Grab đã hoạt động như một hãng taxi hoàn chỉnh, tự định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá, xử phạt tài xế, việc tăng đột ngột phương tiện của Grab cũng làm cho tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng…
Trong khi đó, phía Grab khẳng định, toàn bộ hoạt động của Grab tại Việt Nam đều tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có đề án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải. Grab khẳng định mình là công ty cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Theo đại diện Grab, Quyết định 24 hoàn toàn cho phép họ xử phạt tài xế vi phạm, còn việc quản lý lái xe, khách hàng, giá cước, hóa đơn là do phía Grab hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã để quản lý. Phía bị đơn cũng nhiều lần đề nghị triệu tập thêm nhiều bên có liên quan và cho rằng chứng thư giám định của Công ty Cửu Long có nhiều sai sót và đề nghị hoãn phiên tòa.
Phía Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn Vinasun bị thiệt hại./.