Những năm trước đây, condotel - loại hình căn hộ ở kiêm khách sạn từng được kỳ vọng là làn gió mới giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tung sức bật. Tuy nhiên, với những khó khăn về điều kiện pháp lý, nguồn vốn, loại hình bất động sản này nhanh chóng rơi vào tình trạng "đóng băng".
Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM và vùng lân cận mới đây của DKRA Group, phân khúc condotel vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Theo đó, thị trường không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong tháng, trạng thái ảm đạm kéo dài. Sức cầu chung của thị trường ghi nhận ở mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Nhiều dự án vướng mắc về mặt pháp lý chưa thể giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng liên tục dời thời gian triển khai bán hàng khiến nguồn cung đưa ra thị trường bị hạn chế.
Các chuyên gia đánh giá sức cầu chung của thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp tập trung chủ yếu vào những sản phẩm có tổng giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.
Trong khi đó, giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, chiết khấu thanh toán nhanh... vẫn được các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi.
Những khó khăn về điều kiện pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ, khiến phân khúc condotel duy trì trạng thái trầm lắng kéo dài.
Ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group dự báo, sức cầu chung thị trường condotel, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm dự kiến kéo dài đến hết năm 2024. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và khó có những biến động rõ nét trong ngắn hạn. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê… tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong quý tới.
Ngoài ra, bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm nguồn cung. Nguyên nhân vì các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.
Vấn đề giao dịch, thanh khoản thị trường dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn.
Cũng liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng trong giai đoạn vừa qua, thị trường Việt Nam ghi nhận một số lượng lớn condotel được mở bán, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2019 với ước tính trung bình 12.000 sản phẩm mở bán mỗi năm.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm mở bán trong giai đoạn này khiến các doanh nghiệp chạy đua cam kết lợi nhuận với thời gian và tỷ lệ hấp dẫn, mà thiếu sự cân nhắc thấu đáo đến kết quả hoạt động tổng thể. Qua đó, thị trường condotel thời gian qua phát triển ồ ạt, trùng lặp, thiếu định hướng bền vững đã dẫn đến tình trạng hoạt động không thật sự hiệu quả.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 10 về việc sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, bao gồm việc cho phép căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ.
Theo Nghị định, thời hạn sử dụng quy định trong sổ không quá 50 năm. Riêng với những dự án có vốn đầu tư lớn nhưng vốn thu hồi chậm và thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm.
Thông tin gỡ khó về pháp lý cho loại hình condotel khiến nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan, vui mừng. Bởi, quy định trên giúp tháo gỡ vướng mắc đã tồn đọng bấy lâu cho các doanh nghiệp và người mua condotel. Tuy nhiên, thời gian qua, phân khúc này vẫn chưa có những chuyển biến rõ rệt.
Các chuyên gia đánh giá Nghị định số 10 chỉ giúp gỡ được một trong những nút thắt mà loại hình này đang gặp phải. Các chuyên gia đánh giá, phân khúc này đối diện nhiều khó khăn từ vấn đề nguồn vốn, niềm tin nhà đầu tư, thanh khoản thị trường.... Vì thế, condotel vẫn khó phục hồi trong ngắn hạn, mà phải cần thời gian dài để có "độ ngấm" của thị trường.