Theo thông tin tại cuộc họp, tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2022 ước đạt 31.292 tỷ đồng. Trong đó, huy động tại địa phương ước đạt 16.053 tỷ đồng, so với 31/12/2021 tăng 963 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 6,4%. Tổng dư nợ đến 31/12/2022 ước đạt 28.241 tỷ đồng, so với 31/12/2021 tăng 2.212 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,5%. Đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (Kế hoạch tăng 8%). Đáng lưu ý là cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 18.837 tỷ đồng, chiếm 66,9%/tổng dư nợ; so với 31/12/2021 tăng 1.027 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 9,2%. Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Dư nợ 27,4 tỷ đồng. Dự kiến đến 31/12/2022 dư nợ đạt 38 tỷ đồng/6 khách hàng. Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Dư nợ là 12.527 tỷ đồng.
Về tín dụng chính sách tại NHCSXH: Dư nợ ước đạt 4.281 tỷ đồng, chiếm 15,2%/tổng dư nợ trên địa bàn; so với 31/12/2021 tăng 678 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 18,8%. Trong đó nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh theo Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng là 206 tỷ... Chất lượng, tín dụng khá tốt, tổng dư nợ xấu toàn tỉnh là 115,3 tỷ đồng, chiếm 0,41%/tổng dư nợ, luôn đảm bảo ở mức an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số khó khăn, hạn chế như sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp có thế mạnh chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh dẫn đến khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn thấp. Các doanh nghiệp trên địa bàn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, năng lực tài chính, kinh nghiệm và trình độ quản lý còn hạn chế, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa mang tính thị trường cao. Cho vay Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt thấp do nhiều khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sinh sống, sản xuất kinh doanh tự phát tại địa bàn vùng sâu, vùng xa; không thực hiện đăng ký kinh doanh, nên không đủ điều kiện để được hưởng hỗ trợ lãi suất. Đa số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhiều ngành khác nhau, hoạt động đa lĩnh vực; trong khi đó chỉ có 9 ngành nghề được hỗ trợ lãi suất; nên việc xác định ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, bóc tách dư nợ để xem xét hỗ trợ lãi suất gặp nhiều khó khăn…
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023, trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của NHNN về hoạt động Ngân hàng trong năm 2023 sẽ được đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Ngân hàng sắp tới, hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang cần tích cực triển khai ngay và có hiệu quả trên địa bàn. Công tác tín dụng của các ngân hàng tại Hà Giang cần tập trung vào tín dụng chính sách, và tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, hạn chế rủi ro tín dụng. Trong đó, tăng cường công tác bảo đảm an toàn hệ thống Ngân hàng, hạn chế rủi ro và không để nợ xấu tăng lên.
Các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội về hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, bảo đảm nhu cầu tiền mặt trên địa bàn, đảm bảo công tác an toàn kho quỹ, thực hiện tốt quy định về kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng...