Nhiều tàu bay tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh, kéo theo các tiếp viên hàng không cũng không có thu nhập. Nhiều người đã phải chuyển khỏi các khu chung cư cao cấp, rao bán nhà đang trả góp.
Đang là tiếp viên hàng không, nhưng chị L.A. (Hà Nội) phải ở nhà vì không có lịch làm việc. Nhưng đó không phải nỗi lo lớn nhất của chị A, bởi căn nhà chị đang mua trả góp đã đến hạn đóng tiền mới khiến chị đứng ngồi không yên.
Trước đây, nếu đi làm đều đặn thì mỗi tháng thu nhập của chị A cũng được khoảng 30 triệu đồng. Đi làm nhiều năm, chị A cũng dành dụm được một khoản để mua nhà trả góp.
Nhưng hiện tại, do không có lịch đi làm nên mọi nguồn thu của chị A cũng đều không có. Khoản tiền nhà 15 triệu đồng mỗi tháng trở thành gánh nặng với chị.
“Tháng trước, lịch bay ít đã khiến thu nhập giảm trầm trọng khiến tôi phải vay mượn thêm người thân mới đủ để đóng tiền nhà. Đến tháng này, tôi không biết xoay sở đâu, chưa kể tiền sinh hoạt phí”, chị A than thở.
Dịch vẫn chưa biết diễn biến thế nào, chị A đành phải rao bán căn nhà có trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Nhiều tiếp viên phải bán hoặc cho thuê lại nhà đang ở |
Cũng đang là tiếp viên hàng không như chị A, anh V.H. (Hà Nội) cũng đang không biết xoay sở thế nào cho cuộc sống gia đình. Tuy khá hơn chị A (nhân viên thời vụ nghỉ không lương) anh H còn được hưởng lương biên chế, nhưng anh lại phải nuôi 2 con nhỏ nên tiền lương chỉ đủ cho cả gia đình ăn uống.
Song, việc học hành của con cái và chi phí sinh hoạt tại chung cư cao cấp khiến anh H đành phải cho thuê căn hộ chung cư cao cấp tại Minh Khai rồi chuyển về ở cùng bố mẹ vợ.
“Vì là nhà của gia đình tôi ở, nên mọi thiết bị nội thất trong nhà đều rất đắt tiền. Quyết định cho thuê lại cũng rất khó khăn, nhưng trong hoàn cảnh này tôi không thể làm khác. Tôi chỉ có thể lựa chọn khách thuê cẩn thận để giữ gìn đồ đạc giúp gia đình”, anh H nói.
Không ít bạn bè đồng nghiệp với anh H cũng đang phải gồng gánh những khoản nợ mua nhà, mua xe như vậy. Anh H cho biết, thậm chí cả các tiếp viên trưởng cũng phải rao bán hoặc cho thuê lại nhà đang trả góp, rồi về quê ở để trang trải nợ nần.
Rao bán nhà vì nợ |
Để có phương tiện đi làm, anh T.H.T (Yên Viên, Hà Nội) phải trả góp để mua xe. Nhưng anh chỉ là tiếp viên hàng không thời vụ không có lương, một tháng qua cũng chỉ được bay 4 - 5 ngày nên khoản tiền xe trở thành món nợ lớn.
“Tôi đang rao bán xe vì ngoài tiền nợ, tiền gửi xe hàng tháng và tiền sinh hoạt cũng là áp lực lớn”, anh T cho biết thêm.
Đang làm môi giới bất động sản tại Hà Nội, chị Hà Phương (Cầu Giấy) cho biết, thời điểm này có nhiều khách gửi thông tin tại sàn để rao bán căn hộ. Tuy nhiên, lượng khách quan tâm tới mặt hàng này không quá nhiều.
“Dự án mới hiện có rất nhiều, hơn nữa khách mua có thể được giảm trực tiếp vào giá và tặng quà hấp dẫn hơn, nên các căn hộ cũ phải có giảm giá nhiều mới thu hút được khách mua”, chị Phương chia sẻ.
(Theo Dân trí)