Khấm khá nhờ trồng măng tây xanh
Chúng tôi đến xã Yên Viên, huyện Gia Lâm đúng vào ngày giao dịch tại xã của Ngân hàng CSXH. Với nhiều người dân và nhất là các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) ở xã Yên Viên thì dù trời nắng hay mưa, ngày 24 hàng tháng luôn trở thành ngày hội tín dụng chính sách. Người đến nộp lãi, người vay món vay mới, lại có người đến gửi tiết kiệm để ngân hàng có thêm vốn cho nhiều hộ gia đình khác được vay…
Điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Thu Hà
Trong năm 2019, Hội ND huyện Gia Lâm tổ chức kiểm tra 43 cuộc và cơ sở tổ chức 108 cuộc về các nội dung: Triển khai chương trình công tác năm, thực hiện Điều lệ hội, thu và sử dụng hội phí, các nguồn vốn vay và hiệu quả sử dụng vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng CSXH. Qua kiểm tra, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đúng hạn; các cơ sở và chi hội thực hiện khá tốt các nhiệm vụ công tác Hội, không có sai phạm xảy ra. |
Với thổ nhưỡng đất đai phù hợp với cây măng tây xanh và cho giá trị kinh tế cao nên xã Yên Viên đã thu hút khá nhiều hộ trồng loại cây này khi được Ngân hàng CSXH cho vay vốn. Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Kim Quan (xã Yên Viên) chia sẻ, tổ của bà có 29 hộ thì đa số đều trồng cây măng tây. Bản thân bà Yến cũng vay 20 triệu đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để trồng 2 sào măng tây và chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả cao. Theo bà Yến, ngoài trồng măng tây, các hộ còn trồng xen các loại rau như su hào, bắp cải… để cung cấp rau củ cho nội thành Hà Nội nên thu nhập cũng khá tốt.
Ở thôn Kim Quan có hộ ông Đinh Văn Hùng, bà Nguyễn Thị Xuân cùng vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để trồng măng tây và chăn nuôi, cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm không chỉ giúp nhiều hộ vay vốn trồng măng tây, mà ở xã Yên Viên còn có nhiều hộ vay vốn để sản xuất bún.
Chẳng hạn như hộ bà Đặng Thị Dư (thôn Yên Viên), đầu năm 2016 cũng đã vay 25 triệu đồng của Ngân hàng CSXH cộng thêm vốn tích cóp từ gia đình để mua chiếc máy làm bún 45 triệu đồng. Hiện nay, mỗi ngày gia đình sản xuất được khoảng 6 tạ bún, có mức thu nhập khá.
Xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Hiện nay, Hội ND huyện Gia Lâm phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện quản lý dư nợ ủy thác trên 126 tỷ đồng cho 2.887 hộ vay. Trong đó, các chương trình cho vay cho dư nợ lớn như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm là hơn 36 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường là 34 tỷ đồng, cho vay hộ thoát nghèo là hơn 52 tỷ đồng...
Trao đổi với PV, ông Chu Anh Tuấn - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Lâm cho biết: “Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, ngay từ đầu các năm, Ban Thường vụ Hội ND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua của hội gắn với thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, Huyện hội giao chỉ tiêu và chỉ đạo các Hội cơ sở tuyên truyền để các hội viên nắm được chương trình, chính sách vốn mới.
Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động ủy thác qua tổ chức hội ngày càng được nâng lên”.
Ông Chu Anh Tuấn cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân Gia Lâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, Hội ND huyện Gia Lâm đã thành lập và duy trì 43 mô hình kinh tế tập thể với 149,3ha của 375 hộ tham gia, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại xa khu dân cư với 45 trang trại và 233 gia trại quy mô vừa và lớn. Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cũng giúp Hội hỗ trợ nông dân Gia Lâm xây dựng 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 125 tổ nhóm sản xuất PGS với tổng số 1.403 thành viên tham gia…