Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và kết quả kiểm tra tháng 11 của tổ công tác.
Đến cuối tháng 11, theo báo cáo, các bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, vượt 36,5% chỉ tiêu giao.
Có ba luật và 25 nghị định về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Theo đó, trong tổng số gần 6.200 điều kiện kinh doanh đã có trên 3.300 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa.
Như vậy, còn 42 văn bản quy phạm pháp luật (16 luật, 26 nghị định) về cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh và bảy văn bản (ba nghị định, bốn thông tư) liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa được ban hành.
Theo tổ công tác, đến nay đã có 8/10 bộ báo cáo đánh giá tác động kinh tế của công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành mang lại, theo đó tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỉ đồng/năm. Các bộ đáng chú ý trong lĩnh vực này có thể kể đến như các bộ Y tế , NN&PTNT, GTVT…
Việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được 7/16 bộ đánh giá tác động kinh tế. Ước tính việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh này đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công/năm, tương đương 872,2 tỉ đồng/năm.
Theo tính toán, việc các bộ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm tổng cộng gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỉ đồng mỗi năm.
Tổ công tác cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các Bộ: TN&MT, Công Thương, Xây dựng, NN&PTNT, LĐ-TB&XH, Y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu việc đơn giản, cắt giảm và kịp thời đánh giá, báo cáo tác động hiệu quả kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.