Theo Nghị quyết, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề dân số được xác định là tiêu chí chính và được chia theo bốn vùng, kết hợp các tiêu chí bổ sung phù hợp với thực tế đặc thù từng địa phương. Định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng.
Còn ở Trung ương, sẽ áp dụng định mức chung đối với khối các cơ quan TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ với định mức phân bổ 72 triệu đồng/biên chế. Đồng thời áp dụng định mức theo phương pháp lũy thoái đối với các bộ, cơ quan trung ương còn lại. Qua đó, số biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao cho từng đơn vị được chia thành các bậc khác nhau, với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 100 biên chế.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016 - 2020, trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
“Ngân sách nhà nước giảm cấp chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các khoản chi đã được kết cấu vào giá dịch vụ theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của từng lĩnh vực sự nghiệp công; dành kinh phí để tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương”, Nghị quyết nêu rõ.
Đối với các tỉnh, thành có cơ chế chính sách đặc thù, hoặc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số như sau:
- TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được phân bổ thêm 80%
- Các TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được phân bổ thêm 70%;
- Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế được phân bổ thêm 45%...