Như trong bài viết trước đây đã nêu [Video+Ảnh] 'Tá hoả' khi đến thăm căn nhà bỏ hoang ven biển, nơi đặt đại bản doanh của KSA & BII , để tiếp cận được căn nhà này - nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết hơn 60km về phía Nam, chúng tôi đã chọn những ngày làm việc đầu tuần và phải mon men theo nhiều con đường mòn lầy khá lầy lội, tiếp cận rất nhiều người dân xung quanh địa chỉ trên và phát hiện rất nhiều điều hoàn toàn trái ngược với những gì KSA đưa ra trong văn bản mang tính "phản bác" của mình.
Theo đó, căn cứ vào giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp cho KSA, trụ sở công ty tọa lạc tại khu đất ven biển ở Khu phố 11, phường Bình Tân, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Khu đất này nằm trong quy hoạch dự án Cảng biển Lagi, rộng 13ha và công ty KSA đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 999470 ngày 05/12/2008 có diện tích 4,4ha. Ngôi nhà hiện nay là trụ sở của KSA và công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư.
Tại văn bản công bố thông tin của KSA, có chi tiết "tháng 8/2016, Đoàn Kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đến trụ sở Công ty để kiểm tra và làm việc".
Tuy nhiên, nếu tính từ khoảng thời gian đó đến nay đã hơn 1 năm 2 tháng. Mọi hoạt động của công ty hoàn toàn có thể thay đổi khi đoàn kiểm tra rút đi.
Tại thời điểm khảo sát thực tế hiện trạng, chúng tôi được một người dân đang sinh sống cạnh trụ sở KSA cho biết: "lâu rồi tôi có thấy ai ở đó đâu, căn nhà đó bỏ hoang mà, đi ngang là thấy rợn cả người!".
Để vào được tòa nhà này, chúng tôi phải chạy xe rất khó khăn bởi cả một đoạn đường dài nham nhở, lầy lội. Tiếp cận được ngôi nhà đặt trụ sở công ty KSA không khỏi "sốc" bởi nó được xây dựng trơ trọi trong một khu rừng dương trước bờ biển, mọi cửa ra vào công ty đều được khóa chặt.
Đặc biệt, xung quanh tòa nhà có nhiều kim tiêm vương vãi rất nguy hiểm, tìm khắp các ngóc ngách vắng có một bóng người. Nhìn trực tiếp bằng mắt thường vào bên trong, chúng tôi nhận thấy một phần căn nhà đã rêu phong, máy tính "trùm mền", vài tập hồ sơ vẫn còn trên kệ làm việc. Ngay như tại một phòng làm việc, bàn ghế nằm chỏng chơ, bám đầy bụi bẩn.
Thử hỏi: Một công ty niêm yết có tiếng trên sàn chứng khoán, nhưng trụ sở hoạt động kinh doanh suốt ngày được khóa chặt như thế này, vắng một bóng người bên trong và bên ngoài thì liệu có vấn đề gì bất thường hay không?
Tiếp cận được nơi đặt trụ sở công ty KSA, chúng tôi khá "hoảng" bởi xung quanh còn vương vãi rất nhiều kim tiêm như thế này. Thậm chí kim tiêm nằm ngay trên bậc thềm dẫn vào bên trong văn phòng.
Một góc căn nhà đang bị rêu phong, mọi ngóc ngách không thấy bất kỳ một bóng người.
Máy tính và bàn ghế "trùm mền". Theo thông tin từ một bài báo sáng 13/11, công ty luôn có 2 người được cử làm việc, nhưng thời điểm chúng tôi ghi hình, quay phim là ngày làm việc đầu tuần, cả trong và ngoài đều không thấy bất kỳ một người nào.
Trao đổi với chúng tôi khi được hỏi về vị trí đích xác của ngôi nhà trên, nhiều người dân thuộc Phường 11, thị xã Lagi đều khẳng định rằng từ lâu không thấy có người hoạt động tại đây. Bà Th. - chủ một tiệm tạp hóa nằm cách trụ sở của KSA khoảng 500m, cho biết thêm chính gia đình bà gần 2 năm nay cho doanh nghiệp này kéo thuê đường dây điện và nước. Tuy nhiên, lâu nay không thấy có ai hoạt động tại văn phòng này, nhiều lần đến tìm người để thu tiền điện nước nhưng vẫn không có ai giải quyết. Được biết, bà Th. hiện là vợ của một cán bộ công an Phường 11.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Đinh - Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, cho rằng thời gian qua cơ quan quản lý cũng đã nhận được một số thông tin "có vấn đề" về doanh nghiệp này, Sở đã cho kiểm tra nhưng khi đến địa chỉ như đăng ký kinh doanh thì không thấy ai hoạt động.
Sau khi kiểm tra thông tin theo hồ sơ đăng ký kinh doanh còn lưu trên hệ thống, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở này cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại công ty KSA và Bảo Thư vẫn còn hoạt động theo như địa chỉ đã đăng ký để cấp Giấy chứng nhận kinh doanh. "Còn việc có ai làm việc hay kinh doanh tại địa chỉ này hay không chúng tôi chưa nắm được và sẽ tổ chức cho kiểm tra sự việc sau khi báo chí nêu".
Chúng tôi cũng đã cung cấp tất cả hình ảnh và video ghi được những gì đang diễn ra tại công ty KSA cho Phòng đăng ký Kinh doanh xem trực tiếp, hầu như các nhân viên đều "tá hỏa". "Việc không có ai làm việc tại địa chỉ đăng ký kinh doanh trong một thời gian khá dài như thế mà đến nay chúng tôi chưa hề nhận được bất kỳ báo cáo nào. Theo một số thông tin chúng tôi tiếp nhận, họ thành lập hơn 20 công ty khác nhau nên rất khó kiểm soát thông tin", trưởng Phòng đăng ký kinh doanh cho biết thêm.
Vào tận nơi làm việc của KSA: Không một bóng người
Một luật sư thuộc Công ty Tư vấn Luật Dương Gia (TP.HCM), cho rằng nếu một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một địa điểm cụ thể nhưng lại hoạt động kinh doanh ở một nơi khác mà không báo cáo với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh... là hoàn toàn vi phạm pháp luật. "Cho dù họ có hoạt động ở một nơi nào đó hay không thì mình không biết, nhưng tại trụ sở đăng ký kinh doanh không có ai là họ làm sai rồi. Như thế, việc doanh nghiệp thay đổi địa điểm của trụ sở công ty thì buộc họ phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp", vị luật sư này nói.
Khi được hỏi liệu có chuyện gì bất thường đang xảy ra hay không khi tại trụ sở trên "cửa đóng then cài", đại diện Phòng Đăng ký Kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết: "Khi các phóng viên báo đến làm việc, tìm hiểu thông tin, chúng tôi đã nắm vấn đề là họ không có hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc xử lý thế nào đều phụ thuộc vào Cục Thuế tỉnh. Nếu họ kiểm tra công ty này có dấu hiệu trốn thuế, không nộp thuế theo quy định sẽ có văn bản làm việc trực tiếp với họ. Tiếp theo nếu bên Cục thuế gửi văn bản thông báo sang Sở thì chúng tôi sẽ phối hợp kiểm tra, báo cáo lên cấp trên.”
Dự án Nhà máy Xỉ Titan đang bị bỏ hoang gần 1 năm nay?
Một thông tin đặc biệt quan trọng khác trong văn bản gửi đến các cổ đông của mình, KSA thông tin Dự án Nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận đã được UBND huyện Hàm Tân cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 26/12/2014. Ngày 26/1/2015 UBND huyện Hàm Tân cũng đã cấp Giấy phép Xây dựng số 05/GPXD (sử dụng cho công trình không theo tuyến) cho công trình Nhà máy Chế biến xỉ Titan Bình Thuận...".
Theo tìm hiểu, trên địa bàn phía Nam Bình Thuận, hiện KSA Công ty BIDICO là đơn vị chủ đầu tư hạ tầng một số dự án cụm công nghiệp. Trong đó đã triển khai khởi công xây dựng Cụm Công nghiệp Tân Bình 1 (thị xã La Gi), Cụm Công nghiệp Thắng Hải 1 và 2 tại huyện Hàm Tân. Đây là nơi khởi động tiến tới hình thành Cụm công nghiệp chế biến sâu titan Nam Bình Thuận, qua đó hướng đến khai thác hiệu quả nhất tài nguyên quặng sa khoáng của địa phương.
Trong đó, đến năm 2018, KSA sẽ tiến hành xây dựng 3 nhà máy chế biến sâu về xỉ titan, có tổng công suất thiết kế khoảng 180.000 tấn/năm… Dự án Nhà máy xỉ titan Bình Thuận (công suất 60.000 tấn/năm) do Công ty CP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận làm chủ đầu tư với tổng vốn 720 tỷ đồng được khởi công vào đầu tháng 2/2015 tại Cụm Công nghiệp Thắng Hải 1.
Được biết, dự án này nằm cách TP. Phan Thiết gần 200km, nằm giáp ranh địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Qua quan sát, toàn bộ diện tích xây dựng dự án Nhà máy đến thời điểm hiện tại, ngoài 2 tòa nhà bỏ hoang, xung quanh vẫn chưa được triển khai xây dựng gì. Ngay từ cổng dự án đi sâu vào bên trong, vật liệu xây dựng vẫn còn đang bị "vứt" ngổn ngang nhiều nơi. Thậm chí, người dân còn tận dụng dự án bỏ hoang đã dọn đến đây sinh sống tạm bợ, chăn nuôi cả gà vịt trên phần đất của dự án.
"Nhớ chính xác là từ tháng 10 năm ngoái đến nay tại đây không còn xây dựng gì, công nhân cũng rút đi hết làm việc cho các công trình khác", một người dân đang sinh sống trong dự án nói.
Dự án Nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận từ lâu đã ngưng thi công, vẫn còn dang dở.
Bên trong dự án người ta còn tận dụng chăn thả gà vịt.
Người dân tận dụng một phần dự án để sinh sống, cũng như được giao trông coi dự án. Người này cho biết từ tháng 10/2016 đã ngưng mọi hoạt động xây dựng.
Vật liệu, dụng cụ xây dựng đang bị vứt bên trong khuôn viên dự án Nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận.
Cổng vào bên trong nhà máy cũng không có bóng người.
Dự án Nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận do KAS làm chủ đầu tư
(Bài tiếp theo chúng tôi sẽ cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin pháp lý, thực trạng về dự án xỉ titan này).