Vì sao Samsung lựa chọn Bắc Ninh?
Quay lại thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các "ông lớn" trong sản xuất di động cũng đã chứng kiến sụt giảm thị phần nghiêm trọng. Khi ấy, Samsung phải chịu cạnh tranh gay gắt với Nokia - "quán quân" của ngành lúc bấy giờ, và Motorola, Panasonic, Alcate...
Sau khi đầu tư vào Việt Nam năm trước đó với một liên doanh quy mô nhỏ, Samsung đã quyết định thực hiện dự án với vốn đầu tư 650 triệu USD để sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng tiếp đó sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng như TV, máy điều hóa nhiệt độ, máy giặt...
Đến năm 2008, Samsung đầu tư mở nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh. Tháng 4/2009, nhà máy này chính thức đi vào vận hành, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, như thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Tháng 7/2014, Samsung thành lập công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 41 năm.
SDV là doanh nghiệp chế xuất với các hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, lắp ráp và gia công các loại màn hình cho các thiết bị điện tử bao gồm màn hình điện thoại thông minh, màn hình đồng hồ, màn hình máy tính bảng và màn hình TV.
Đến năm 2020, trong khuôn khổ Diễn đàn đa phương, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn đã tiết lộ lý do lớn nhất khiến Samsung chọn Bắc Ninh.
"Bắc Ninh tuy là tỉnh nghèo, diện tích nhỏ nhất cả nước, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng lại có vị trí gần Hà Nội, sân bay Nội Bài và cảng Hải Phòng. Đối với Samsung, Bắc Ninh lại có vị trí đắc địa", ông nói.
"Năm 2008, lúc này linh kiện điện tử Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn từ Trung Quốc do sản xuất chưa phát triển. Trong khi đó, sản phẩm của Samsung phải được đưa ra thị trường ngay sau khi sản xuất một tuần. Bởi vậy, để việc nhập khẩu linh kiện và xuất khẩu sản phẩm thuận lợi, Bắc Ninh là lựa chọn phù hợp", ông Nguyễn Anh Tuấn lý giải.
Tính đến quý 2 năm nay, hai nhà máy lớn của Samsung tại Bắc Ninh đạt tổng doanh thu khoảng 6,4 tỷ USD. Đặc biệt, doanh thu của SDV đạt mức tăng cao nhất, khoảng 25%, xấp xỉ 0,6 tỷ USD.
Về phía Bắc Ninh, khi có sự xuất hiện của Samsung và hàng loạt nhà máy của các doanh nghiệp khác, tỉnh đã "lột xác" ngoạn mục, có lúc lọt top địa phương đạt thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Vậy còn Thái Nguyên, TP. HCM và Hà Nội?
Năm 2013, đúng vào thời điểm kinh tế Việt Nam chỉ vừa thoát "đáy" tăng trưởng (GDP tăng 5,42% so với năm 2012), Samsung tiếp tục đầu tư tổ hợp thứ hai ở Thái Nguyên. Đến năm 2014, dự án Samsung Vietnam Electronics Thái Nguyên (SEVT) nhận giấy phép đầu tư đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên, với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, đối với khu tổ hợp thứ hai, Samsung lại phải giải quyết bài toán trao đổi phương tiện, nguyên vật liệu với nhà máy ở Bắc Ninh trong vòng 40 phút. Do vậy, Thái Nguyên là địa điểm được lựa chọn.
Tính trong quý 2/2021, Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đạt doanh thu 5 tỷ USD. Kể từ khi có sự hiện diện của Samsung, Thái Nguyên đã đạt được những mức tăng trưởng đáng kể. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh từ vài trăm triệu USD mỗi năm, nay đã lên đến hàng chục tỷ USD, lọt top các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất toàn quốc.
Năm 2016, dự án SEHC (Samsung CE Complex) của Samsung Việt Nam có tổng số vốn đầu tư 2 tỷ USD đạt tại khu công nghệ cao TP. HCM chính thức đi vào hoạt động. Việc lựa chọn TP. HCM để đặt nhà máy duy nhất ở miền Nam của tập đoàn là bởi các doanh nghiệp ở miền Nam có thế mạnh trong việc ép nhựa và đúc chi tiết lớn nên được lựa chọn để sản xuất TV và thiết bị gia dụng.
Đồng thời, TP. HCM cũng gần sân bay, cảng biển, đáp ứng nhu cầu xuất hàng đi khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Còn với Hà Nội, Samsung xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại đây cũng có lý do tương tự như xây dựng nhà máy ở Thái Nguyên. Ngoài ra, việc nghiên cứu cần nhân lực, kỹ sư trình độ cao nên đặt ở Hà Nội để Samsung có thể tận dụng được nguồn nhân lực tại các trường đại học hàng đầu của thủ đô.
Đầu tháng 9 vừa qua, tờ Korean Economics Daily đưa tin, Samsung có thể mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh nửa cuối năm nay, mục tiêu đưa vào hoạt động toàn bộ vào cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm sau. Đến nay, Samsung đã có 6 nhà máy và đang xây dựng 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 110.000 cán bộ, nhân viên.